"Bạn này là Lan, ca sĩ", cô bạn tôi giới thiệu vậy./ "Cái gì Lan?", tôi quay sang hỏi Lan./ "Cứ gọi là Lan thôi".
Lan trả lời với nụ cười mỉm nhiều ẩn ý, và đôi mắt "trải đời" như nhìn xuyên thấu tâm can kẻ lạ. Tôi là kẻ lạ của nàng lúc ấy. Sau này tôi mới biết, đó là lời chào từ Lan cho hành động rít thuốc liên tục từ tôi, hết điếu này đến điếu khác, và không một hơi thuốc nào được nhả ra trọn vẹn.
Ấy là khi nàng vui, khi nàng nhặt được những điều dễ thương trong đời. Thế nào là dễ thương với nàng thì tôi cũng không rõ lắm, tôi cũng dễ thương, nhưng thấy nàng có vui mấy đâu.
Nhưng cuối cùng tôi cũng chạm được đến những góc khuất lúc ẩn lúc hiện của Đồng Lan, và ngỡ ngàng nhận ra, một phần lớn trong con người Lan để dành cho những nỗi đau buồn của một người đàn bà thực thụ, ấy là lúc tôi nghe nàng kể về dăm ba chuyện tình cũ, dăm ba người đã đến rồi đi trong đời. Lan kể, lơ đễnh và bình thản.
"Có tình mà cứ như không/ Kiếp sau làm lúa trên đồng./ Có lòng mà biết ai để cho/ Kiếp sau làm cánh lan dại" (Cánh lan dại - Une chanson triste)
Đôi ba câu hát trong bài "Cánh lan dại" mà nhạc sỹ Quốc Bảo viết riêng cho Lan là như vậy. Ừ thì Lan đúng là như vậy. Lan từng thắc mắc "sao lại là lúa trên đồng", tôi đành tặc lưỡi, ậm ừ, coi như không hiểu gì.
"Kiếp sau làm lúa trên đồng"
Lúa trên đồng còn làm được thóc cho gà ăn. Kiếp này làm người, là đàn bà, là Đồng Lan, nên có tình rồi cũng như không, có lòng mà chẳng biết ai để cho, để cuối cùng cho vào hư vô, vào nắng, gió, vào những lúc mơ hồ cười rồi hát trên sân khấu, hát đôi câu vui mà cũng làm người ta day dứt.
Bạn bè và khán giả, nhiều người thích hình ảnh của nàng mỗi lần hát trên sân khấu, hát như "lên đồng", như đúng cái tên "Đồng Lan", nàng hoang dã như một đứa trẻ được sinh ra giữa cánh đồng. Và chỉ có những người nghệ sỹ thực thụ mới có được điều đó. Lan sinh ra để làm nghệ sỹ, để đứng giữa ánh đèn sân khấu, để ca hát cho người nghe, đời nghe, rồi đi về với hư vô. Tôi cũng như bao người đã từng nghe Lan hát, si mê nàng vì cái lẽ như vậy. Sau những giây phút ấy, tôi lại si mê nàng hơn ở những khoảnh khắc nàng nhận tiền cát-sê mà chưa một lần đếm tiền, dạo ấy, mỗi tối nàng hát rong rêu ở hai, ba phòng trà có tiếng, mỗi tụ điểm hát hai, ba bài và nhận về đâu đó trên dưới 200 nghìn cho một tụ điểm. Tôi hỏi, sao ít quá vậy, Lan cười hiền lành, bảo "chỉ thế thôi".
Cũng có những lúc hiếm hoi như thế, tôi thấy tiền bạc thật phù du. Lan thì chưa bao giờ thấy tiền là phù du, vì hơn ai hết, nàng hiểu bản thân mình nhiều lúc bỗng chạnh lòng nhường nào khi phải tự bươn chải cho một cuộc sống mưu sinh đủ đầy, và vất vả vay mượn tiền để làm album, nhưng nàng cũng không nghĩ nhiều đến tiền. Còn xoay sở được qua ngày, còn hát được cho mọi người nghe, thế là cũng sẽ vui.
Tôi bảo, làm album giờ chỉ có lỗ thôi, Lan lại cười. Nói không quá, tài sản của nàng nhiều lúc chỉ là hai bàn tay trắng, một tiếng ca, và một tâm hồn. Thời đại này, người ta không còn tin vào chuyện "một túp lều tranh và hai trái tim vàng" nữa, Lan chỉ có một trái tim, không được bọc vàng (vì nếu là vàng, ắt nàng sẽ moi ra để nuôi tiếng ca của mình), nhưng được bao quanh bởi một dòng máu nóng, nặng mùi vị của đam mê. Lan đã tạo ra được một thế giới cổ tích của riêng nàng, cũng không mấy quan tâm có ai thấy nó, nàng tự tại với thế giới của mình. Những điều kỳ diệu đã có cũng đến từ đấy thôi.
"Kìa em vẫn mong làm cho người vui, đời vui mà riêng em thì, em cứ đi vòng quanh tìm quanh một tình yêu vĩnh hằng. Ngày đã qua kìa em, tuổi đã qua kìa em..."
Mai Khôi viết riêng bài hát "cho em được yêu thương" dành cho Lan là như vậy. Câu hát chạm tới trái tim của nhiều người đàn bà, đã lỡ mang kiếp rong chơi hoang hoải trong đời.