Giá bán dưới giá thành
Sáng 3.6, bà Nguyễn Thị Đào (ngụ xã Vĩnh Thuận, huyện Vĩnh Hưng, Long An) cho biết, trong vụ này gia đình bà canh tác 4ha lúa IR50404. Cách đây 2 ngày, có thương lái đến ngã giá và bà đành nhận cọc với giá 3.900 đồng/kg, dù bà có kỳ kèo thì họ vẫn không tăng thêm đồng nào. Với năng suất lúa dự đoán đạt 6 tấn/ha, bà Đào coi như hòa vốn.
Nông dân huyện An Phú, tỉnh An Giang đưa lúa về nhà. |
Anh Nguyễn Thanh Bình ngụ xã Vĩnh Bửu, huyện Tân Hưng, Long An, thuê 4 ha đất để sản xuất vụ hè thu với chi phí khoảng 20 triệu đồng/ha, cộng thêm khoản tiền thuê đất 5 triệu đồng/ha thì tổng chi phí mỗi ha khoảng 25 triệu đồng. Anh vừa thu hoạch 22 tấn lúa, với giá bán 3.800 đồng/kg thì anh lỗ khoảng 20 triệu đồng. “Tôi đang nợ ngân hàng, nợ đại lý vật tư nông nghiệp. Với giá lúa kiểu này thì nông dân chết đứng, nợ nần chồng chất...”- anh Bình nói.
Theo ông Lê Thanh Lê - Phó Chủ tịch xã Vĩnh Đại, huyện Tân Hưng, vụ lúa hè thu này do thời tiết không thuận lợi, sâu bệnh nhiều nên chi phí đầu tư cao, năng suất lúa thấp, giá lúa liên tục giảm khiến người sản xuất lúa không có lời.
Ông Võ Văn Cọp - Bí thư xã Hưng Điền, huyện Tân Hưng cho hay, xã Hưng Điền trồng 2.747ha vừa lúa vừa nếp, hiện đã thu hoạch hơn 1.50ha. Tuy nhiên, nhiều nông dân đang buồn thúi ruột bởi giá lúa rớt thê thảm. “Hiện giá lúa IR50404 thu mua tại ruộng chỉ còn chừng 3.700 đồng/kg với điều kiện thuận tiện đường giao thông. Nông dân ai cũng buồn bã bởi vụ hè thu năng suất lúa rất thấp, dưới 5 tấn/ha, nay lại thêm rớt giá thì chỉ có nước từ hòa tới lỗ” - ông Cọp nói.
Cũng theo ông Cọp, ngoài giống lúa IR50404 đang thịnh hành, nông dân Hưng Điền còn trồng nếp, chủ yếu là nếp An Giang. Người trồng nếp còn rầu hơn người trồng lúa bởi giá nếp cũng rớt thê thảm. “Năm ngoái, giá nếp lúc thấp nhất vẫn đạt mức 6.100 đồng/kg. Nay nếp chỉ còn 5.600 đồng/kg nhưng lạ một điều là thương lái chỉ mua nếp Long An, còn nếp An Giang thì họ từ chối. Bản thân tôi cũng đang trồng 5ha nếp Long An, gần đến ngày thu hoạch nhưng thương lái chê lên chê xuống không thèm mua” - ông Cọp bức xúc.
Nông dân lãnh đủ
Theo ông Lê Minh Đức - Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Long An, không chỉ nông dân mà lãnh đạo ngành nông nghiệp cũng đứng ngồi không yên khi giá lúa đang quá thấp. Vụ hè thu này, toàn tỉnh Long An xuống giống hơn 230.000ha, hiện mới thu hoạch hơn 12.000ha và hầu hết nông dân đều bán ngay tại ruộng vì không có kho chứa.
“Ở ĐBSCL, Long An là một trong những tỉnh đi đầu trong cơ giới hóa sản xuất lúa. Chúng tôi đã nỗ lực hết sức để nâng cao năng suất, nâng cao chất lượng hạt lúa. Thế nhưng, những thành quả của nông dân cũng như của ngành nông nghiệp coi như đổ sông đổ biển khi người trồng lúa không có lời. Tâm trạng của tôi lúc này cũng bức xúc như người nông dân, bởi mình đã cố hết sức nhưng vẫn chịu cảnh thiệt thòi, làm ra hạt lúa nhưng người khác quyết định giá cả. Nông dân đang khốn đốn như thế này nhưng không có bất kỳ ngành nào chịu trách nhiệm cả" - ông Đức nói.
Ông Nguyễn Thành Tài - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Đồng Tháp.
Tại nhiều nơi ở Đồng Tháp, lúa tươi thu mua tại ruộng chỉ có giá 3.500 đồng/kg. Ông Nguyễn Văn Mang, ngụ xã Phú Điền, huyện Tháp Mười nói như than: “Tôi trồng hơn 1ha lúa, tới vụ thu hoạch kêu mỏi miệng không thương lái nào tới mua. Mấy ngày qua lại gặp mưa, ruộng lúa ế đồng loạt nảy mầm thành mạ, coi như lỗ nặng và mang nợ rồi”.
Những người hàng xóm của ông Mạnh chọn giải pháp… lùa vịt xuống ruộng cho vịt ăn lúa. Tuy nhiên, mỗi ha có đến trên dưới 5 tấn lúa chín rục nên vịt cũng ăn không hết, đành bỏ luôn.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, trong khi các doanh nghiệp trực thuộc Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) đang đổ thừa lúa rớt giá do không có hợp đồng xuất khẩu, thì tại biên giới Tây Nam, lúa gạo đang ầm ầm đổ sang biên giới.
Anh Trần Văn T - chủ một doanh nghiệp chuyên xuất khẩu gạo đóng tại Đồng Tháp bức xúc: “VFA nói không tìm được hợp đồng nên giá lúa gạo trong nước tuột dốc không phanh. Trong khi đó, thương lái Thái Lan lại đổ xô sang Việt Nam mua lúa gạo đem về nước họ để phục vụ xuất khẩu. Họ mua gạo với giá cao hơn từ 400 - 500 nghìn đồng/tấn. Theo tôi biết, mua xong họ đem về đóng gói, lấy thương hiệu Thái Lan rồi xuất khẩu sang nước khác”. Cũng theo anh T, riêng An Giang và Đồng Tháp, mỗi ngày có hàng ngàn tấn gạo được đưa qua biên giới sang nước bạn.
Hữu Danh