Những kết quả đáng ghi nhận
Hải Phòng là thành phố ven biển có địa hình đa dạng gồm: Đồi núi, đồng bằng, biển, đảo và vùng bãi triều rộng lớn. Ngoài thuận lợi phát triển rừng sinh thái phục vụ nghỉ dưỡng và du lịch, rừng phòng hộ ven biển Hải Phòng có vai trò rất quan trọng trong việc ứng phó biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai.
Du khách thăm Vườn quốc gia Cát Bà. |
Xác định được tầm quan trọng của cả 3 loại rừng ở địa phương, từ năm 2002 đến 2010, các dự án phát triển rừng ở Hải Phòng đã bảo vệ được 52.600ha, trồng mới được 5.000ha và hơn 2.300ha cây phân tán các loại. Giá trị và độ che phủ của rừng nhờ đó được nâng lên; phát huy chức năng phòng hộ môi trường sinh thái và bảo tồn đa dạng sinh học. Các dự án rừng còn tạo việc làm, nâng cao nhận thức, thu nhập cho nhiều hộ dân, giữ vững an ninh quốc phòng và chính trị xã hội trong các khu vực có rừng.
Mặc dù đã đạt được một số kết quả nhất định, song diện tích rừng và đất lâm nghiệp của Hải Phòng hiện không ổn định và có xu thế bị thu hẹp do chuyển đổi mục đích sử dụng. Trong khi, thực tế đòi hỏi phải duy trì và phát triển diện tích rừng và cây xanh để đảm bảo an ninh môi trường. Bên cạnh đó, chất lượng và giá trị kinh tế của rừng thấp (Hải Phòng không có rừng sản xuất), khả năng cung cấp lâm sản hạn chế, chưa đem lại thu nhập cao cho người làm nghề rừng...
Đi tìm đòn bẩy
Từ thực trạng nói trên, TP.Hải Phòng xác định việc thiết lập quản lý bảo vệ và phát triển rừng hướng tới hiệu quả, bền vững là hết sức cần thiết. Bởi vậy, năm 2010, UBND TP.Hải Phòng giao Sở NNPTNT thành phố xây dựng Đề án Quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng Hải Phòng giai đoạn 2010- 2020. Theo bà Đào Thị Hà - Trưởng phòng Trồng trọt Sở NNPTNT Hải Phòng, hiện đề án này đã được Bộ NNPTNT thẩm định; các sở, ngành, đơn vị, địa phương tham vấn, đủ điều kiện để HĐND thành phố xem xét quyết định, UBND thành phố phê duyệt làm cơ sở triển khai thực hiện.
Bà Đào Thị Hà cho rằng, nếu đề án được thông qua, cũng có nghĩa rừng sẽ được quy hoạch và việc quản lý như vậy sẽ thuận lợi hơn. Tuy nhiên, nói thì dễ nhưng thực tế để quản lý hiệu quả, bền vững là không hề đơn giản. Bởi lẽ, để bảo vệ được diện tích rừng hiện có và trồng mới được hàng nghìn ha rừng các loại như mục tiêu đã đề ra, từ nay tới năm 2020 phải cần tới hàng trăm tỷ đồng tiền vốn (chủ yếu vốn ngân sách thành phố và địa phương tự huy động). Trong khi, điều kiện của địa phương còn nhiều khó khăn. Hơn thế, Hải Phòng là thành phố có tốc độ đô thị hoá nhanh, ai dám chắc quy hoạch phát triển rừng ở một vài nơi lại không bị phá vỡ vì những lý do “nhạy cảm”?...
Đành rằng, trong đề án đã xác định rất rõ 8 nhóm giải pháp, nhưng việc thực hiện được đồng bộ 8 nhóm giải pháp này là không dễ. Nó đòi hỏi không chỉ có sự chỉ đạo quyết liệt của thành phố, mà cả sự nỗ lực quyết tâm cao của các cấp, các ngành, nhất là sự cộng đồng trách nhiệm của từng người dân. Song, “cái khó ló cái khôn”, với những mô hình trồng và giữ rừng hiệu quả ở một số địa phương của Hải Phòng thời gian qua, bà Hà khẳng định, chắc chắn tới đây, cơ quan chủ quản tham mưu để nhân lên, tạo đòn bẩy thúc đẩy việc bảo vệ, phát triển rừng hiệu quả, bền vững.
Thu Ngân