Dân Việt

Nông dân hiểu hơn về an toàn lao động

12/11/2012 11:51 GMT+7
(Dân Việt) - Đó là thành quả mà nông dân ở 2 xã Phong Sơn, Phong Chương (huyện Phong Điền, Thừa Thiên - Huế) thu được khi tham gia triển khai thí điểm mô hình kết hợp dịch vụ y tế lao động cơ bản và cải thiện điều kiện lao động.

Theo TS Nguyễn Thị Toán (Cục Quản lý môi trường y tế - Bộ Y tế), mô hình này hướng tới mục tiêu nâng cao năng lực cho cán bộ y tế tuyến xã, thôn và cán bộ quản lý hợp tác xã về an toàn vệ sinh lao động và phòng chống bệnh nghề nghiệp trong nông nghiệp. Đồng thời, tập huấn cho nông dân áp dụng phương pháp WIND để cải thiện điều kiện lao động nông nghiệp.

img
Một lớp tập huấn về phương pháp WIND tại Thừa Thiên - Huế.

Đi tập huấn, được khám và tư vấn bệnh

Thực tế điều tra cho thấy, việc cung cấp các dịch vụ y tế lao động chăm sóc sức khỏe cho người nông dân tại 2 xã Phong Sơn, Phong Chương chưa đầy đủ; các thông tin về các tác hại đối với sức khỏe trong sản xuất nông nghiệp cũng như các văn bản quy định việc chăm sóc sức khỏe cho lao động nông nghiệp chưa được phổ cập… Vì vậy việc xây dựng mô hình kết hợp các dịch vụ y tế lao động và cải thiện điều kiện lao động trong nông nghiệp (WIND) tại Thừa Thiên - Huế là vấn đề đáng quan tâm.

Ngay sau khi triển khai mô hình năm 2011, đã có hơn 100 nông dân được tập huấn, giới thiệu về chương trình WIND. Nông dân cũng được tìm hiểu một số bệnh, tai nạn lao động hay gặp trong nông nghiệp và các biện pháp dự phòng. “Chúng tôi cũng tiến hành khám sức khỏe cho hơn 100 nông dân tham gia tập huấn. Điều bất ngờ với chính họ là thể lực rất kém, phần lớn chỉ đạt loại II và III. Tỷ lệ mắc các bệnh thông thường tương đối cao; có 15 trường hợp nước tiểu bất thường; siêu âm có 15 trường hợp bị sỏi thận, gan nhiễm mỡ và có 1 trường hợp bị ung thư vòm họng”- bà Toán cho biết.

Sau khi được khám bệnh, tư vấn các bệnh liên quan tới bệnh nghề nghiệp trong sản xuất nông nghiệp, nhiều nông dân đã tự ý thức phòng bệnh. Ông Nguyễn Văn Nam ở xã Phong Sơn cho biết: “Trước đây, bà con nuôi ngan, vịt dưới ao hồ, phân không được dọn sạch, khi lội xuống dễ mắc các bệnh ngoài da, giun móc... Giờ chúng tôi đã chú ý hơn, có biện pháp bảo hộ lao động khi bắt buộc phải lội ao, hồ có nuôi gia cầm”.

Tự cải thiện điều kiện lao động

Đó là sự chủ động mà phương pháp WIND định hướng cho nông dân. Trong mô hình này, mỗi học viên đã tự xây dựng kế hoạch cải thiện điều kiện lao động cho mình và gia đình bao gồm 2 cải thiện ngắn hạn trong 1-3 tháng và 11 cải thiện dài hạn trong vòng 3-6 tháng với các nội dung: Sắp xếp về vận chuyển nông sản, nơi làm việc và dụng cụ lao động; phòng chống tai nạn do điện và an toàn máy nông nghiệp; an toàn trong sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật.

Qua việc thực hiện dự án, các hộ biết khi nào cần sử dụng các phương tiện bảo vệ cá nhân như quần áo bảo hộ, găng, kính, giày, mũ và mặt nạ... Sau khi tham gia lớp học, hầu hết người dân đã có ý thức đeo mặt nạ khi tuốt lúa để tránh tai nạn hạt lúa bắn vào mắt gây mù lòa...

Ông Vũ Như Văn- Nguyên Cục trưởng Cục An toàn lao động (Bộ LĐTBXH) cho biết, trong giai đoạn 2004-2006, chương trình WIND được thí điểm ở 4 tỉnh Hà Nam, Nghệ An, Cần Thơ, Hậu Giang... Hiện các nội dung của chương trình được áp dụng khá nhanh ở Thừa Thiên - Huế.

Cụ thể, trước đây, khi mua máy móc về, bà con thường tháo bỏ bộ phận an toàn để dễ vận chuyển, nay- khi hiểu được chức năng, cơ chế hoạt động của từng thiết bị, bà con đã biết lắp vào... Một số người học bắt đầu các sáng kiến bằng việc sử dụng điện an toàn như treo cao cầu dao điện, dây điện, tránh tai nạn khi sử dụng, trẻ nhỏ nghịch phá.

Riêng dụng cụ lao động, thay vì cất, vứt lung tung ngoài chuồng trâu, bò, giờ bà con đã biết sử dụng các giá đựng nhiều tầng để cất thiết bị. Nơi để thuốc trừ sâu được dán cảnh báo và có giá để lên cao, tránh việc trẻ em uống nhầm