Chúng tôi mất nửa ngày theo ca nô mới vào được một thôn bị cô lập thôn Đông Phước (Hòa An, Phú Hòa). Thật nao lòng khi nhìn thôn xóm ngập chìm trong biển nước, những khuôn mặt người lấp ló xanh xao trong cửa, những đôi mắt trẻ thơ thất thần.
Mẹ con chị Lành đang cầm cự giữa rốn lũ. |
Trong ngôi nhà nhỏ chơ vơ giữa dòng nước, nhà bếp bị lũ cuốn chỉ còn tấm bạt rách, chị Đoàn Thị Lanh cùng 2 con nhỏ, đứa 4 tuổi, đứa 7 tuổi, đang co ro trước những đợt gió giật mỗi lúc một lớn từ phía sông Ba tạt vào. Dòng nước bên ngoài nhà vẫn không ngừng chảy xiết.
Chốc chốc con bé 4 tuổi lại mở cánh cửa tôn phía sau nhà, thò đầu ra ngoài xem nước. Hôm nay là ngày thứ 3, ba mẹ con chị Lanh “cố thủ” trong ngôi nhà xây chừng 10m2. Chồng chị đi làm ăn xa chưa về.
Trong vò còn chừng hơn 3,5kg gạo cùng với một ít cá cơm khô, đủ để 3 mẹ con cầm cự trong 5 ngày tới. Chị Lanh cho biết, ban ngày ở lại trông nhà, ban đêm mẹ con di tản sang nhà mẹ chồng ở gần đó để ngủ, phòng khi đêm hôm không may nước lớn bất ngờ, còn có anh, có em...
Lúc chúng tôi đến, chị Lanh và 2 con đang ăn trưa. Hai cháu nhỏ mỗi tay cầm một cục cơm nguội cùng vài con cá khô nhai nhồm nhoàm. Chị Lanh thở dài: “Còn có cơm ăn là quý rồi, nước mà không chịu xuống thì không biết lấy gì mà nhai”.
Thôn Đông Phước được xác định là vùng trọng điểm ngập lũ khi nước sông Ba dâng cao. Những hộ phía ven sông đã được lệnh di dời đến nơi khác từ chiều 2-11. Một số hộ đã ra đi, nhưng một số do đơn chiếc, do tiếc nuối, vẫn “cố thủ” ở lại.
Thấy chúng tôi ghé thăm, họ rất mừng. Đoàn đã hỗ trợ mì tôm cho những gia đình khan hiếm thức ăn hoặc không nấu nướng được.
Lê Biết