Sáng nay 12.11, các thành viên Chính phủ bắt đầu trả lời trước Quốc hội. Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng là thành viên Chính phủ trả lời chất vấn đầu tiên.
Theo chương trình, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng có bài phát biểu khai mạc. Sau đó, Trưởng Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Đức Hiền trình bày Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIII.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng là thành viên Chính phủ trả lời chất vấn đầu tiên |
Tiếp đó, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trình bày Báo cáo về việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 2 và thứ 3.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng là thành viên Chính phủ trả lời chất vấn đầu tiên. Các nhóm vấn đề dành người đứng đầu ngành công thương gồm: Giải quyết hàng tồn kho, quản lý thủy điện, nhập khẩu hàng hóa kém chất lượng, ảnh hưởng đến đời sống người dân...
Phát biểu đầu phiên chất vấn, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng đánh giá, những vấn đề chất vấn các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) gửi đến Chính phủ lần này không mới nhưng đòi hỏi cách giải quyết phải mới, hiệu quả, quyết liệt hơn để giải quyết tình trạng trì trệ của nền kinh tế.
9h: Phần trả lời chất vấn của bộ trưởng Vũ Huy Hoàng bắt đầu.
Đại biểu Trương Minh Hoàng (Cà Mau) yêu cầu Bộ trưởng đưa ra những giải pháp xử lý hàng tồn kho. Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) đặt ra vấn đề quản lý hàng kém chất lượng, trong đó tập trung vào việc cải thiện thương hiệu mặt hàng lúa gạo Việt Nam. Đại biểu Nguyễn Thái Học (Phú Yên) hỏi về chế độ chính sách cho người dân vùng xây dựng các nhà máy thủy điện ở một số tỉnh như Hòa Bình, Phú Yên...
Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) cũng đặt vấn đề về hàng kém chất lượng với các sản phẩm thuốc chữa bệnh, xăng dầu thực phẩm và đặt ra vấn đề xảy ra tình trạng “làm thật ăn cháo, lếu láo ăn cơm” trong sản xuất.
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng trả lời, hàng tồn kho là vấn đề xuất hiện từ năm 2011 ở các mặt hàng vật liệu xây dựng, phân bón, than đá. Theo Bộ trưởng, hàng tồn kho đang có chiều hướng giảm xuống. Các giải pháp đang được tiến hành như: than đã được giảm giá cho một số hộ dùng số lượng lớn, xi măng sắt thép phụ thuộc vào thị trường bất động sản sẽ được cải thiện khi tháo gỡ được thị trường này, song phân bón không đáng lo vì tồn kho tùy theo mùa vụ sản xuất.
Về hàng hóa kém chất lượng, Bộ trưởng Công thương thừa nhận đây là vấn đề tồn tại từ nhiều năm nay. Tuy được nhiều bộ ngành tham gia, các giải pháp về quản lý, tuyên truyền đã được thực hiện nhưng chưa có chuyển biến tích cực và sẽ tiếp tục khắc phục trong thời gian tới.
Về xuất khẩu gạo, Bộ trưởng dự tính năm nay sẽ xuất khẩu được 7,5 - 7,6 triệu tấn, vươn lên thành nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, giá gạo Việt Nam thấp là một thực tế. Nguyên nhân theo Bộ trưởng Công thương là do giống gạo, công tác thu mua, xuất hiện nhiều nhà cung cấp gạo mới.
Để cải thiện tình trạng này Bộ trưởng cho biết đã kết hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tiến hành tăng cường phát triển giống lúa chất lượng cao, tiến hành các hội chợ giới thiệu sản phẩm.
9h30: Quốc hội nghỉ giải lao. Sau giờ nghỉ giải lao, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng tiếp tục trả lời chất vấn (các Bộ trưởng, Trưởng ngành có liên quan phát biểu giải trình thêm).
Quốc hội tiếp tục chất vấn Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng
Trả lời thêm về vấn đề hàng tồn kho, Bộ trưởng xác nhận có sự chênh lệnh giữa quy hoạch sản xuất và nhu cầu thị trường, vấn đề dự báo thị trường bộc lộ nhiều yếu kém.
Người đứng đầu ngành Công thương cho hay, đáng ra, cơ quan quản lý Nhà nước phải làm tốt công tác này để khuyến cáo doanh nghiệp, bên cạnh đó bản thân doanh nghiệp cũng chưa chủ động. "Yếu kém này tới đây sẽ được tập trung khắc phục", Bộ trưởng khẳng định.
Về thương hiệu gạo, nông sản Việt Nam, Bộ trưởng Hoàng cho biết hiện nay đã có Hội đồng thương hiệu Quốc gia, hàng năm đều có kế hoạch xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm cụ thể.
Song xây dựng thương hiệu gạo là vấn đề khó. Giải pháp tới đây cho vấn đề này là quy hoạch lại sản xuất nông nghiệp, cụ thể là phát triển mô hình cánh đồng mẫu lớn để có sản phẩm đồng đều, đồng thời, các doanh nghiệp cần tăng cường quảng bá hướng dẫn bà con trong sản xuất.
Bộ trưởng nói hiện có tình trạng nhiều nông sản Việt Nam nhưng nước ngoài lại dán nhãn để bán. Bộ trưởng cho rằng, việc tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ khắc phục được thực trạng này.
Trả lời câu hỏi của Đại biểu Nguyễn Thái Học về việc giải quyết khó khăn cho người dân ở vùng có các công trình thủy điện, Bộ trưởng Hoàng trả lời, hiện Chính phủ đã có những cơ chế chính sách trong vấn đề này như di dân tái định cư, sắp xếp, quy hoạch đất cho bà con.
Bên cạnh các chính sách chung cho giải phóng mặt bằng, người dân phải nhường đất cho dự án thủy điện phải có cơ chế đặc thù về giá, giải quyết việc làm phù hợp với điều kiện của bà con, thu nhận bà con vào làm việc.
Đi sâu hơn về vấn đề giá hàng hóa, hàng giả, hàng nhái trong đó có xăng dầu do Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương đặt ra, Bộ trưởng Công thương nhận trách nhiệm về việc đã để xăng dầu kém chất lượng ảnh hưởng đến tài sản của nhân dân, gây bức xúc trong dư luận.
Thời gian tới, Bộ trưởng hứa sẽ kết hợp với Bộ Khoa học Công nghệ kiếm soát chất lượng xăng dầu, kiểm soát chặt chẽ, xử lý mạnh tay hơn về phẩm chất đạo đức, năng lực của cán bộ ngành công thương ở địa phương trong việc quản lý.
Bên cạnh vấn đề hàng hóa kém chất lượng, Bộ trưởng cũng cam kết tiếp tục phối hợp cùng các bộ ngành khác cải thiện việc xuất khẩu gạo và tiến hành điều tra thực trạng, đồng thời cùng với các ngành liên quan đưa ra các cơ chế chính sách đặc thù giúp đời sống người dân ở vùng có các công trình thủy điện được ổn định.
Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát được mời trả lời hỗ trợ cho Bộ trưởng Công thương về xuất khẩu gạo.
Bộ trưởng Cao Đức Phát nhắc lại những giải pháp đang triển khai như nghiên cứu giống, phát triển thương mại… Bộ trưởng Phát cho rằng, trong 23 năm xuất khẩu gạo vừa qua, chất lượng gạo Việt Nam đã được nâng lên và với các giải pháp đang triển khai, thương hiệu gạo Việt Nam sẽ dần được cải thiện.
Các Đại biểu tiếp tục đặt câu hỏi.
Đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hà (Hà Nội) hỏi về hàng hóa kém chất lượng nhưng cụ thể hơn, rằng, lý do vì sao hàng hóa có nhiều chất độc hại vẫn được nhập khẩu, đến khi nào sản phẩm trong nước có thể đảm bảo chất lượng cho nhu cầu.
Đại biểu Trần Khắc Tâm (Sóc Trăng) hỏi làm sao để khắc phục việc sử dụng hóa chất cấm trong nuôi trồng thủy sản, giải pháp tháo gỡ việc các nước đặt các rào cản thương mại không công bằng với Việt Nam và giải pháp hỗ trợ cho các doanh nghiệp chế biến thủy sản.
Đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) tiếp tục hỏi về di dân ở các công trình thủy điện vì cho rằng việc này còn nhiều bất cập như thiếu đất sản xuất, chất lượng đất sản xuất chưa đảm bảo.
Đại biểu Nguyễn Thanh Thủy (Hậu Giang) đề nghị Bộ trưởng Hoàng trả lời vì sao Bộ Công thương lại cho nhập khẩu 80.000 tấn đường vào tháng 8 - 9.2012, đúng vào vụ thu hoạch mía.
Đại biểu Thủy cho rằng, qua 2 nhiệm kỳ làm bộ trưởng, Bộ trưởng Hoàng chưa lần nào “vi hành” về Đồng bằng sông Cửu Long và đề nghị thời gian tới Bộ trưởng quan tâm hơn đến khu vực này.
Về vấn đề hàng hóa độc hại, kém chất lượng, Bộ trưởng Hoàng nhấn mạnh, các quy định về quản lý chất lượng hàng nhập khẩu đã có. Tuy nhiên, do việc nhập lậu, qua đường tiếu ngạch nên hàng kém chất lượng vẫn tuồn vào thị trường trong nước.
Bộ trưởng Hoàng thừa nhận công tác quản lý chất lượng hàng nhập khẩu chưa đạt yêu cầu vì phương tiện để hoạt động còn thiếu và yếu. Song Bộ trưởng cũng lý giải, một phần nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do ý thức của người tiêu dùng.
Về vấn đề thủy sản có tồn dư hóa chất trái phép, Bộ trưởng Hoàng trả lời, hàng năm Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn vẫn kiểm tra kiểm soát vấn đề này.
Việc các nước đặt ra các rào cản thương mại vô lý với thủy sản, Bộ trưởng Hoàng cho biết, thời gian qua đã tiến hành các biện pháp phản ứng thích hợp.
Về hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản, hiện Chính phủ đang tiến hành xúc tiến mở rộng các thị trường mới, tăng cường cho vay sản xuất chế biến thủy sản, đề nghị các doanh nghiệp thủy sản đoàn kết, tránh cạnh tranh, bán phá giá ở thị trường nước ngoài.
Với câu hỏi của Đại biểu Tô Văn Tám, Bộ trưởng Hoàng cũng cho biết đã kiểm tra và phát hiện những thực tế bất cập như Đại biểu Tám đã nêu.
Về việc nhập khẩu đường, người đứng đầu ngành Công thương cho biết đây là quy định của Tổ chức Thương mại thế giới, không thể không thực hiện.
Bộ trưởng Hoàng trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hà về giải pháp nâng cao chất lượng hàng hóa trong nước.
Bộ trưởng Hoàng cho biết, giải pháp quan trọng nhất của Nhà nước sẽ làm là hỗ trợ tuyên truyền, quảng bá cho các sản phẩm trong nước thông qua chương trình người Việt ưu tiên dùng hàng Việt. Nhà nước sẽ chú trọng đến các sản phẩm chủ lực quốc gia bằng cách đổi mới cơ chế chính sách về khoa học công nghệ.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng khẳng định, đây là vấn đề quan trọng trong tái cơ cấu nền kinh tế và chỉ đạo tới đây phải ban hành quy chuẩn những hàng hóa mà Việt Nam có thế mạnh.
Đại biểu Đồng Vũ Mão (Thừa Thiên - Huế) hỏi thẳng, làm thế nào, khi nào có thị trường cạnh tranh trong xăng dầu. Ngoài ra, Đại biểu Mão cũng hỏi về giải pháp cho chất lượng với 3 mặt hàng: mũ bảo hiểm, xăng dầu và phân bón. Đại biểu Mão yêu cầu Bộ trưởng hứa trong 1 năm tới có thay đổi được không. Đại biểu Mão cũng hỏi về việc lỗ lớn, lương cao ở Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.
Đại biểu Đỗ Văn Đương (TP.HCM) nêu, liệu có phải hai bộ trưởng Tài chính và Công thương đã “linh hoạt” giảm giá xăng trước phiên chất vấn này. Đại biểu đoàn TP.HCM cũng đặt vấn đề về tổn thất trong quản lý xăng dầu tạm nhập, tái xuất.
Đại biểu Trương Văn Vở (Đồng Nai) hỏi vì sao thủy điện dự án Đồng Nai 6, 6A lại không được rà soát, trong khi các dự án này nằm trong khu vực rừng đặc dụng.
Đại biểu Đỗ Văn Vẻ (Thái Bình) hỏi về nguồn vốn và hiệu quả sử dụng của xúc tiến thương mại và các giải pháp xúc tiến thương mại, đặc biệt là nông sản trong bối cảnh khó khăn hiện nay.
Về thị trường xăng dầu cạnh tranh, Bộ trưởng cho biết từ năm 2009 đã có 4 doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu có đủ các điều kiện đã được quy định. Theo Bộ trưởng Hoàng, việc phát triển thêm các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu là trách nhiệm của các doanh nghiệp, còn các quy định của Chính phủ đã mở rộng (chỉ trừ doanh nghiệp nước ngoài không được kinh doanh xăng dầu).
Vấn đề chất lượng mũ bảo hiểm sẽ được Bộ Công thương cùng Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Khoa học - Công nghệ tới đây phối hợp xử lý. Mặt hàng xăng dầu và phân bón cũng đang được tăng cường quản lý bằng các quy định sắp được ban hành của các bộ ngành chuyên môn.
Bộ trưởng Hoàng không hứa thẳng sẽ giải quyết dứt điểm quản lý ba mặt hàng này sau 1 năm nữa nhưng cho biết sẽ cố gắng với tinh thần trách nhiệm cao nhất.
Về câu hỏi của Đại biểu Đỗ Văn Đương, Bộ trưởng Hoàng cho rằng, việc giảm giá xăng trước phiên chất vấn chỉ là trùng hợp ngẫu nhiên chứ không phải là “linh hoạt” như đại biểu nói. Về quản lý giá xăng dầu tạm nhập, tái xuất, Bộ trưởng Hoàng cho biết sẽ được xem xét trong việc sửa đổi Nghị định số 84/2009/NĐ-CP về quản lý xăng dầu của Chính phủ vào tháng 12 tới.
Tiêu cực trong tạm nhập tái xuất xăng dầu (tạm nhập nhưng sử dụng trong nước) theo bộ trưởng Hoàng là có. Đến nay chưa có thông tin số lượng thất thoát cụ thể nhưng chiếm đến khoảng 15% lượng xăng dầu tạm nhập, tái xuất. Hiện nay, Bộ Công an đang vào cuộc tích cực.
Về hai dự án thủy điện tại Đồng Nai, Bộ trưởng Hoàng cho biết thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ. Hiện hai dự án này đang trong quá trình đánh giá tác động môi trường.
Về câu hỏi hỗ trợ bà con nông dân tiêu thụ sản phẩm, hiện Bộ Nông nghiệp Phát triển Nông thôn đang nghiên cứu để sửa đổi quyết định 80/2002/QĐ-TTG của Chính phủ về vấn đề này.
Về kinh phí xúc tiến thương mại năm 2012 theo Bộ trưởng Hoàng là 100 tỷ đồng, bằng các năm trước, trong khi đó nhu cầu khoảng 300 tỷ đồng. Hiện nay, nước ta xuất khẩu hàng hóa đạt 100 tỷ USD/1 năm, theo mức chi bình thường của các nước thì phải chi 1%, tương đương 1 tỷ USD cho xúc tiến thương mại.
Trong điều kiện của nước ta, theo bộ trưởng Hoàng là buộc phải chấp nhận. Tới đây, hoạt động xúc tiến thương mại sẽ thay đổi từ việc tập trung cho các hội chợ thương mại hiện nay sang các hợp đồng xuất khẩu cụ thể.
Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ trả lời thêm về kinh doanh xăng dầu. Bộ trưởng Huệ cho biết vấn đề này sẽ được giải quyết tổng thể trong việc sửa đổi Nghị định số 84/2009/NĐ-CP về quản lý xăng dầu.
Bộ trưởng Huệ cũng cho rằng, việc điều chỉnh giá xăng dầu vào hôm qua (11.11) là do biến động thị trường chứ không phải "cố tình" giảm trước khi họp. Về thất thoát trong tạm nhập, tái xuất xăng dầu, Bộ trưởng Tài chính cho biết đang xử lý những vụ việc cụ thể, về lâu dài, việc này sẽ được xử lý dứt điểm trong dự án Luật Quản lý thuế sửa đổi đang được Quốc hội thảo luận.
Với câu hỏi "lỗ lớn, lương cao" ở Tập đoàn Xăng dầu, Tổng kiểm toán Nhà nước Đinh Tiến Dũng cho biết, theo kết quả kiếm toán, năm 2011, Tập đoàn Xăng dầu lỗ 2.358 tỷ đồng do kinh doanh xăng dầu trong đó lãi ở các lĩnh vực khác là 935 tỷ. Như vậy, tổng số lỗ của tập đoàn này là 1.423 tỷ.
Về lương, mức lương trung bình của cán bộ công nhân viên của tập đoàn này là 6 triệu đồng. Lương Chủ tịch Hội đồng thành viên là 58 triệu, các ủy viên Hội đồng thành viên của tập đoàn trung bình là 42 triệu, thấp hơn so với năm 2010. Năm 2010, lương của Chủ tịch Hội đồng thành viên tập đoàn này là 70 triệu đồng.
11h40': Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng tạm cắt ngang và cho biết vấn đề này sẽ được giải đáp cụ thể hơn vào buổi chiều.
14h: Quốc hội tiếp tục phiên họp.
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng trả lời những thắc mắc còn lại của một số đại biểu khác về kinh doanh xăng dầu.
Về vấn đề này, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng trả lời, xung quanh thị trường xăng dầu, cần tạo khung pháp lý cho các tổ chức kinh doanh. Chúng tôi đã báo cáo bằng Nghị định 84 và các văn bản có liên quan.
Bản thân doanh nghiệp muốn tham gia vào thị trường, nhất là thị trường nhạy cảm như xăng dầu, cần đáp ứng về tài chính, kho bãi, nhất là các trạm bán lẻ và kinh nghiệm trong kinh doanh. "Điều này thì không ai làm thay được doanh nghiệp", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Đại biểu Trương Văn Vở (Đồng Nai) đặt câu hỏi: Chủ trương cho lập dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A có tuân thủ theo nghị quyết 49 hay không? Hiện nay, tất cả mọi dự án phải đánh giá tác động môi trường. Đề nghị xem lại cơ sở pháp lý của dự án. Yêu cầu Bộ trưởng cho biết rõ hơn dự án này cần xem xét, loại bỏ quy hoạch thủy điện hay không.
Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết: Dự án thủy điện 6 và 6A ở Đồng Nai chưa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Điều quan trọng hiện là thẩm định, đánh giá về tác động với môi trường, chưa được phê duyệt nên chưa trình Quốc hội.
Đại biểu Nguyễn Thanh Hồng (Bình Dương) tỏ ý băn khoăn về tình hình nhập siêu: Trong những năm qua, tình hình nhập siêu từ Trung Quốc năm sau cao hơn năm trước. Điều này dẫn đến sự bất hợp lý về cơ cấu hàng hóa, nhưng nhập siêu không giảm. 9 tháng đầu năm 2012, hàng nhập siêu từ Trung Quốc gần bằng năm 2011, trong khi có những mặt hàng trong nước tồn kho cao và có khả năng sản xuất. Với tư cách Bộ trưởng có chịu trách nhiệm Nhà nước về vấn đề này? Nếu gắn với đề án tái cơ cấu nhà nước, lộ trình giải quyết sẽ như thế nào.
Đại biểu Hồng nhấn mạnh: Hoa quả, gia súc, gia cầm... nhập khẩu trái phép, thương nhân Trung Quốc vào nước ta mua bán trái phép nhưng chúng ta còn lúng túng. Với tư cách là tư lệnh ngành, Bộ trưởng sẽ tư vấn như thế nào bởi Bộ trưởng cần có lời hứa đến hết năm 2012 có ngăn chặn được gà thải loại, nhập lậu hay không.
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng trả lời:
Đối với các nước lân cận như Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan thì nước ta nhập siêu từ đây và xuất siêu sang các khu vực khác. Năm 2012, nước ta đã giảm nhiều tỉ lệ nhập siêu xuống còn chưa đến 1% so với kim ngạch xuất khẩu.
Mặc dù vậy, nhập siêu vẫn là vấn đề bức xúc và cần có lộ trình cụ thể để khắc phục. "Chúng tôi đã phối hợp với các Bộ ngành có liên quan để giải quyết vấn đề này. Lộ trình này tính toán trên các cách tiếp cận khác nhau thì đến năm 2020 sẽ cố gắng để cân bằng cán cân xuất nhập khẩu một cách vững chắc", Bộ trưởng nói.
Gà nhập lậu là hiện tượng bức xúc, ảnh hưởng đến chăn nuôi trong nước, sức khỏe người dân do không kiểm soát được dịch bệnh. Khi nhập khẩu gà, lực lượng quản lý thị trường, biên phòng, kiểm dịch thực vật, có thể bảo đảm gà nhập vào Việt Nam không có mầm dịch bệnh, còn gà nhập lậu thì kiểm soát rất khó. Bộ Công thương đã hoàn thành đề án kiểm soát gà nhập lậu, nhất là sắp đến Tết Nguyên đán.
Bộ trưởng nhấn mạnh, quản lý thị trường cần sự phối hợp đồng bộ giữa các lực lượng. Vừa qua Bộ đã rất cố gắng nhưng còn thiếu sự nhịp nhàng nên thời gian tới, cần tăng cường sự phối hợp trong mô hình hoạt động chung, lấy lực lượng quản lý thị trường làm nòng cốt.
Tiếp theo đó, Đại biểu Ngô Văn Minh (Quảng Nam) nêu vấn đề về xăng ethanol, Đại biểu Lê Việt Trường (An Giang) đặt câu hỏi về sự an toàn của các đập thủy điện sau sự cố thủy điện Sông Tranh 2.
Đại biểu Nguyễn Minh Hồng (Nghệ An) nêu, liệu trong kinh doanh xăng dầu, trong trường hợp bị lỗ thì có bị kiểm điểm hay không khi lương rất cao.
Đại biểu Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh) hỏi, giải pháp nào để người Việt dùng hàng nội với giá cả hợp lý để giải quyết vấn đề tồn kho.
Bộ trưởng trả lời:
Xăng ethanol đã tiến hành thí điểm bằng cách thiết lập một số trạm xăng. Qua thực tế cho thấy cơ bản đáp ứng yêu cầu và không ảnh hưởng đến tuổi thọ phương tiện và cải thiện môi trường. Nhưng hiện vẫn chưa đi rộng vào cuộc sống do mới là thí điểm, về quy phạm, quy chuẩn thì còn tiếp tục phải xây dựng. Điều này có phần chậm trong việc ban hành và Bộ Công thương sẽ đẩy nhanh tiến độ.
Về trồng rừng, Bộ trưởng nói đúng là chưa đạt được mục tiêu. Khi lấy đất rừng để làm thủy điện thì phải trồng bù, chủ trương phù hợp nhưng khi thực hiện thì quỹ đất bù lại không chính xác dẫn đến dự án triển khai không đáp ứng được yêu cầu. Để khắc phục tình trạng này có thể áp dụng không nhất thiết phải trồng ở địa bàn có dự án mà tìm ở nơi khác, nhưng thực tế rất khó thực hiện vì quỹ đất có hạn.
"Chúng tôi đề nghị dự án nào có quỹ đất trồng rừng bù lại thì mới cho triển khai", Bộ trưởng cho biết.
Về nguyên nhân cháy xe, Bộ trưởng yêu cầu rõ cần kiểm định chính xác hơn vì các nguyên nhân gây cháy xe có thể do hệ thống điện chậm, nguyên liệu rò rỉ, một số phụ giá cho xăng dầu được sử dụng trên thế giới có chất lượng tốt nhưng lại không phù hợp với tiêu chuẩn Việt Nam, một số chất gây ăn mòn các chi tiết kim loại... Đó là chưa kể ý thức người dân chưa có ý thức bảo dưỡng xe định kỳ.
Về vấn đề an toàn đập thủy điện, Bộ trưởng trả lời: 19 đơn vị cho đến thời điểm này có điều kiện kiểm định, nhưng có không ít đơn vị gần đây mới đăng ký và được Bộ Xây dựng kiểm duyệt. Bên cạnh đó, các dự án thủy điện tích nước sau 2 năm mới tiến hành kiểm định lần đầu.
Theo quy hoạch có 1.110 dự án thủy điện thì dự án Trung ương quản lý chỉ 200, còn hơn 900 do địa phương quản lý. Trừ những dự án lớn, còn phần lớn dự án thuộc các địa phương. Tuy vậy, Bộ Công thương xác định không có tư tưởng cả nể. Với cách làm nhiều nỗ lực như hiện nay thì sẽ khắc phục nhiều hơn nữa những bất cập, đặc biệt là thủy điện vừa và nhỏ.
Trước câu hỏi về vấn đề người Việt Nam dùng hàng Việt Nam, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nhấn mạnh, việc quan trọng nhất là phải đẩy mạnh sản xuất trong nước thì người dân mới có ý thức sử dụng.
15h: Kết thúc phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng kết luận, tóm lược toàn bộ nội dung trong lần đăng đàn này của Bộ trưởng Công thương.
Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đến ngày 10.11, đã có 383 ĐBQH gửi văn bản trả lời về việc QH xin ý kiến người trả lời chất vấn, những nội dung liên quan tới chất vấn. Theo đó, có tới 361 ĐBQH đề nghị chất vấn Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình. Thống đốc Bình cũng là người nhận được nhiều câu hỏi chất vấn nhất (146 câu).
Sỹ Lực - Đức Hiếu - P.V