Dân Việt

Ám ảnh thủy điện xả lũ

05/11/2010 05:51 GMT+7
(Dân Việt) - Nước lũ đã ngập hầu hết các vùng ven sông Ba thuộc các huyện Phú Hoà, Đông Hoà, thị xã Tuy Hoà, Phú Yên, kể từ khi các công trình thuỷ điện trên sông Ba thông báo xả lũ (19 giờ ngày 1-11).

Trên dòng sông này có 9 nhà máy thủy điện, nhưng đáng lo nhất khi xả lũ là thủy điện trên bậc thang cuối cùng - thủy điện sông Ba Hạ.

Nghe xả lũ là thót tim

Ngày 2-11, buổi sáng, nước trên sông Ba tại Phú Lâm chỉ xấp xỉ báo động cấp 1, vậy nhưng đến 17 giờ lũ đã vượt báo động 3. Đến 18 giờ lũ đã vượt kè Bạch Đằng tràn vào TP.Tuy Hoà. Chợ trung tâm và nhiều tuyến đường nội thành bị ngập sâu.

img
Mỗi lần thủy điện sông Ba Hạ xả lũ là người dân vùng hạ lưu thót tim.

Cả thành phố dáo dác chạy lũ. Nước lên nhanh, thành phố mất điện trên diện rộng khiến từ cán bộ đến dân lúng túng, hốt hoảng. Người dân ở các vùng ven sông được tổ chức di dời khẩn cấp.

Theo những người dân ven sông Ba, kể từ khi có thuỷ điện, thông tin xả lũ đã trở thành nỗi ám ảnh thường trực của bà con mỗi mùa mưa đến. Ông Huỳnh Văn Thế (thôn Đông Phước, xã Hoà An, huyện Phú Hoà) bày tỏ: “Dân chúng tôi hễ nghe xả lũ tức là lũ đã bắt đầu vào nhà.

Nhiều khi nước lũ lên nhanh từng phút và chỉ còn biết trèo lên cao, thậm chí lên mái nhà mà ngồi thôi. Vậy nên, mỗi lần nghe xả lũ là một lần bà con sợ thót tim!”.

Không năm nào người dân sống ven sông Ba không thiệt hại vì ngập lụt. Chỉ tính riêng chuyện mất giống vụ 3 là cả một “tai họa” đối với nhà nông. Nhà cửa nhanh xuống cấp vì bị lụt ngâm đi ngâm lại.

Ông Nguyễn Văn Quang ở thôn Đông Phước thở dài: “Làm quanh năm suốt tháng, sau một mùa lũ là phủi tay, không biết bao giờ dân vùng trũng thấp ven sông Ba như chúng tôi ngóc đầu dậy được!”.

Con sông chi chít thủy điện

Sông Ba là con sông dài nhất ở miền Trung và cũng là sông có hệ thống thuỷ điện bậc thang nhiều nhất với 9 công trình. Thuỷ điện sông Ba Hạ là bậc thang cuối cùng.

Khi mưa lớn thượng nguồn, các hồ thuỷ điện phía thượng nguồn thuộc các tỉnh Kon Tum, Gia Lai xả lũ, lập tức lưu lượng về hồ thuỷ điện sông Ba Hạ tăng lên, buộc đơn vị này phải tiến hành xã lũ để đảm bảo an toàn hồ chứa.

Sáng 2-11, hồ thuỷ điện Sông Hinh xả lũ với lưu lượng 1.900m3/s và tăng lên dần đến 2.000-2.500m3/s vào chiều cùng ngày. Trong khi đó, thuỷ điện sông Ba Hạ đã quyết định xả lũ với lưu lượng 5.700m3/s từ 11 giờ 30 trưa 2-11.

Đáng nói là thuỷ điện sông Ba Hạ đã cho xả lũ trước khi có văn bản thông báo cho cơ quan chức năng Phú Yên. Và nếu không có ý kiến gay gắt từ phía lãnh đạo tỉnh Phú Yên rất có thể mức xả lũ đã không dừng lại ở lưu lượng 5.700m3/s.

Lãnh đạo UBND tỉnh Phú Yên đã nhắc nhở cán bộ công nhân viên các nhà máy thủy điện phải trực vận hành xả lũ 24/24 giờ, nghiêm túc thực hiện vận hành các hồ chứa thuỷ điện đúng quy trình đã được phê duyệt.

Ông Nguyễn Đức Phú - Phó Tổng giám đốc Công ty CP Thuỷ điện sông Ba Hạ, cho rằng công ty đã làm đúng quy trình, còn lãnh đạo tỉnh Phú Yên thì cho rằng công ty không thực hiện theo quy trình nào cả. Hậu quả thấy rõ là mỗi khi hồ thuỷ điện xả lũ cả vùng hạ du lại chìm trong biển nước.

Rất may là từ sáng 3-11, các hồ thuỷ điện trên địa bàn Phú Yên đã giảm lưu lượng xả lũ, trong đó thuỷ điện Ea Krông Năng đã ngừng xả lũ, thuỷ điện Sông Hinh còn xả lưu lượng 1.000m3/s và thuỷ điện sông Ba Hạ đang xả lũ với lưu lượng 3.900m3/s nên mực nước lũ ở hạ lưu sông Ba đã giảm căng thẳng.

Tuy nhiên, nước sông vẫn ở mức xấp xỉ báo động 3, nhiều khu dân cư vẫn bị cô lập. Hàng nghìn ngôi nhà vẫn ngập trong nước. Dự báo mưa lớn sẽ còn tiếp tục trong vài ba ngày tới do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới.

Trời lại mưa, hồ thuỷ điện lại đầy và các hồ thuỷ điện lại xả lũ... cứ thế cuộc sống của người dân sống đôi bờ sông Ba thấp thỏm theo từng đợt xả lũ mà chưa biết đến bao giờ mới có thể chấm dứt.