Tăng chóng mặt!
Theo ghi nhận của NTNN trong mấy ngày qua, mặc dù mới đầu vụ, nhưng giá phân bón tại ĐBSCL đã tăng từ 500 đến 1.200 đồng/kg. Ngày 3-11, tại các cửa hàng bán phân ở TP. Cần Thơ, giá phân urê từ 7.500 đến 9.000 đồng/kg, kali từ 12.000 đến 13.500 đồng/kg, DAP từ 22.500 đến 24.000 đồng/kg.
Giá phân tăng cao làm nông dân lo lắng. |
Một đại lý lớn cho biết nguồn cung đang thiếu hụt và trước tình hình này các nhà máy trong nước chỉ đáp ứng khoảng 50% nhu cầu… Vì vậy, có khả năng vào chính vụ giá phân bón sẽ tiếp tục tăng cao hơn nữa.
Theo Hiệp hội Phân bón Việt Nam, dự kiến vụ đông xuân 2010 – 2011 cả nước cần phải nhập khẩu 150.000 – 200.000 tấn urê, DAP 100.000 tấn, kali 150.000 tấn, SA 150.000 tấn…
Trước tình hình nguồn cung trong nước đang có chiều hướng thiếu hụt, Hiệp hội Phân bón Việt Nam đã đề xuất với Chính phủ chỉ đạo cho các doanh nghiệp sản xuất phân trong nước tăng hết công xuất sản xuất, tạm dừng xuất khẩu phân bón đến 31-12-2010. Đề nghị ngân hàng nhà nước tạo nguồn ưu tiên ngoại tệ và tỷ giá đô la để cho doanh nghiệp rộng vốn nhập khẩu phân bón…
Một khi giá phân bón tăng cao thì vấn đề hàng gian, hàng kém chất lượng trong lĩnh vực phân bón sẽ càng phức tạp hơn. Trao đổi với NTNN, ông Trương Hợp Tác- cán bộ Cục Trồng trọt cho biết: “Hiện tại, Cục đã ký kết với Cục Quản lý phòng, chống tội phạm, hàng gian, hàng giả để quản lý phòng, chống phân bón giả. Tuy nhiên, phía người dân khi mua, sử dụng phân bón cần mua của các công ty, nhãn hàng có uy tín, phải có xuất xứ nguồn gốc…
Chi phí sản xuất tăng cao
Giá phân bón tăng, từ đó kéo theo chi phí sản xuất sẽ tăng theo. Phần lớn nông dân đều mua phân bón ở các đại lý cấp II, III và mua chịu đến cuối vụ nên giá phân bón sẽ tiếp tục tăng thêm từ 10 đến 15% so với khi mua trả tiền ngay.
Ông Ngũ Văn Cần ở ấp Hòa Bình, thị trấn Kinh Cùng, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang có 8 công đất ruộng cho biết, vụ đông xuân này ông mua khoảng 320kg phân bón và đành phải “bóp ruột” chịu giá cao để trả lãi cho đại lý.
Đặc biệt khi sắp tới vụ đông xuân nhu cầu phân bón trong nước sẽ tăng mạnh có thể gây nên những cơn sốt giá về phân bón.
Mai Hương
Cũng theo ông Cần, hầu hết nông dân trong vùng đều mua chịu đến khi thu hoạch lúa mới trả tiền.
Ông Cần tính toán: “Với lượng phân bón cho 8 công đất lúa thì mỗi vụ tui mất gần 500.000 đồng tiền chênh lệch khi mua chịu và gần bằng số tiền đó khi mua phân bón ở đại lý cấp III phải qua nhiều trung gian.
Nếu tính cả 3 vụ lúa trong năm thì người nông dân phải chịu thiệt rất lớn. Trong khi, mới bắt đầu vụ mà giá phân bón lại tăng nhanh, nông dân phải mua chịu đến cuối vụ nên khó khăn chồng chất khó khăn”.
Ông Nguyễn Tiến Dũng - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Vật tư Nông sản cho biết: “Nguồn ngoại tệ và tỷ giá ngoại tệ trong thời gian qua liên tục biến động nên nhà nhập khẩu phân bón rất sợ nhập phân về dự trữ vì dễ bị lỗ. Từ đó dẫn đến nguồn cung hụt, kéo theo giá biến động. Trước tình hình này nếu không kịp thời giải quyết ngay từ bây giờ thì khi bước vào chính vụ có khả năng gây bất lợi cho nhà nông”.
Đối với vụ đông xuân này, để giảm chi phí, các chuyên gia, nhà khoa học khuyến cáo bà con nông dân áp dụng các biện pháp kỹ thuật nhằm hạ giá thành sản xuất, nhất là bón phân đúng cách. Trong đó, các phương pháp hiệu quả như: 3 giảm, 3 tăng, 4 đúng trong sản xuất lúa cần được nông dân áp dụng rộng rãi để giảm chi phí sản xuất trong điều kiện giá phân bón liên tục tăng cao như hiện nay.
Hoàng Mai
Sẵn sàng tham gia bình ổn thị trường
Hiện nay chúng tôi là nhà sản xuất phân đạm lớn nhất (năm 2010 sản xuất 740.000 tấn urê, năm 2011 dự kiến đạt 800.000 tấn urê) có khả năng đáp ứng tới 40% nhu cầu của thị trường trong nước.
Chúng tôi xác định mình sẽ là nhà cung cấp sản phẩm cho thị trường nội địa, và với việc nhà nước nắm cổ phần chi phối nên chúng tôi sẵn sàng tham gia bình ổn thị trường khi nhà nước có yêu cầu.
Hiện chúng tôi đã có trên 2.000 cửa hàng ở khắp các vùng miền của cả nước, có thể cung ứng phân bón đến tận tay nông dân với giá phù hợp. Hiện giá phân bón đang có xu hướng tăng lên, nhưng nếu xảy ra "sốt" giá và thiếu phân bón cục bộ, chúng tôi sẽ tăng tối đa sản xuất, đẩy mạnh nhập khẩu để tăng tổng nguồn cung ứng phân bón; tổ chức mạng lưới phân phối hợp lý nhằm đưa sản phẩm đến cho nông dân với giá niêm yết, thấp hơn giá nhập khẩu từ thị trường thế giới, hạn chế tình trạng mua bán qua tầng nấc trung gian.
(Ông Phan Đình Đức - Tổng Giám đốc Tổng Công ty Phân bón và hóa chất dầu khí)
Mai Hương (ghi)
Cần đẩy mạnh sản xuất phân bón trong nước
Để tránh những cơn sốt giá phân bón không có cách nào khác là chúng ta cần tiếp tục đầu tư phát triển năng lực sản xuất phân bón trong nước.
Nhà nước cũng cần có các chính sách giúp đỡ các đơn vị sản xuất phân bón trong nước nhanh chóng nâng cao sức cạnh tranh như cho vay vốn với lãi suất ưu đãi vào các tháng không phải mùa vụ, giúp doanh nghiệp chủ động dự trữ nguyên liệu, duy trì sản xuất liên tục.
Có giải pháp điều chỉnh kịp thời thuế suất thuế nhập khẩu nguyên liệu đầu vào cho sản xuất phân bón như lưu huỳnh, đạm SA, kali, xăng dầu... để giảm tác động của các cơn sốt trên thị trường thế giới. Tỉ giá ngoại tệ cho nhập khẩu nguyên liệu sản xuất phân bón nên có mức riêng phù hợp...
(Ông Quách Đình Diệu - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Supe phốt phát và hóa chất Lâm Thao)
Nguyễn Phương (ghi)