Thông tin ban đầu cho thấy ngành nông - lâm đang vô cùng thiếu nhân lực có trình độ nhưng các trường khối ngành này chưa thu hút được thí sinh.
Sinh viên Trường Đại học Nông lâm trong giờ thực hành. |
Nhìn từ góc độ chuyên gia và người tuyển sinh, PGS - TS Phạm Văn Điển khẳng định:
- Nhu cầu nhân lực nông - lâm nghiệp là rất lớn và có tính ổn định cao. Tuy nhiên khối ngành này hiện vẫn khó tuyển sinh do nhiều nguyên nhân. Trước mắt ngành nông - lâm nghiệp vẫn đang đối mặt với một số khó khăn, thách thức trong quá trình phát triển, như nguồn vốn đầu tư của Chính phủ còn hạn chế, chính sách phát triển ngành còn bất cập, thu nhập của trí thức nông - lâm nghiệp chưa cao... nên tính hấp dẫn của khối ngành chưa mạnh.
PGS - TS Phạm Văn Điển
Về phía chủ quan thì còn do chương trình và phương pháp đào tạo chưa phù hợp với nhu cầu xã hội. Kết quả là chưa được xã hội chấp nhận hoặc chưa thu hút được người học.
Ngoài ra, một lý do quan trọng khác đó là sự hiểu biết qua lại giữa nhà trường, doanh nghiệp và thí sinh, gia đình còn rất hạn chế. Thí sinh không thể dự thi vào ngành mà họ không biết ngành ấy nhằm mục tiêu gì, sau này làm gì, ở đâu. Nhà trường cũng không thể tuyển sinh đủ chỉ tiêu nếu không biết phân khúc người học...
Theo ông, các trường cần tác động thế nào để thu hút thí sinh dự thi khối ngành này?
- Quan điểm của tôi là phải tuyển sinh theo hướng đáp ứng tốt nhu cầu xã hội. Như vậy, việc đầu tiên là các trường phải nâng cao chất lượng giáo dục, tạo ra những sinh viên tốt nghiệp đảm bảo chất lượng, có khả năng thích ứng và cạnh tranh tốt trong môi trường hội nhập quốc tế. Thứ 2 là tăng cường thông tin khối ngành đào tạo tới thí sinh. Thứ 3 là tạo các cuộc "vận động chính sách" hỗ trợ về tài chính cho sinh viên khối ngành này như miễn giảm học phí, cung cấp chỗ ở…
Ông có lời khuyên nào dành cho thí sinh để các em tự tin hơn khi đăng ký vào ngành nông - lâm nghiệp?
- Có nhiều trường đại học tên là nông - lâm nhưng đã tổ chức đào tạo theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực. Chẳng hạn, tại Trường Đại học Lâm nghiệp Việt Nam, hiện có 22 ngành được đào tạo, trong đó chỉ có 6 ngành về nông - lâm nghiệp với số sinh viên chiếm khoảng 30% số sinh viên toàn trường. Ngoài ra, trường còn đào tạo các ngành Kế toán, Quản trị kinh doanh, Kinh tế, Kỹ thuật công trình xây dựng, Kỹ thuật cơ khí, Hệ thống thông tin… Theo tôi, các thí sinh nên cân nhắc kỹ về điều kiện của bản thân như học lực, kinh tế, cơ hội việc làm… để chọn lựa ngành, trường cho phù hợp. Trong tương lai, nông - lâm nghiệp Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển theo hướng hiện đại, nhu cầu nhân lực vẫn rất lớn nên các thí sinh có thể yên tâm khi đăng ký vào khối ngành này.
Xin cảm ơn ông!
Bùi Thị Định (thực hiện)