Dân Việt

Thực hư khả năng chống nhiễm xạ của muối iode

23/03/2011 10:09 GMT+7
Đã có dư luận là ăn muối iode sẽ trung hoà được độc tính của phóng xạ trên cơ thể. Vậy thực hư như thế nào?

Thực hư thế nào?

img
Vì tin rằng muối iốt có thể ngừa nhiễm phóng xạ nên nhiều người Trung Quốc đã sang Việt Nam mua muối. Ảnh: Báo Lào Cai

Potassium iode, hay iode kali, là một chất vô cơ có công thức là KI. Tinh thể muối màu trắng này là hợp chất phổ biến nhất của iode.

Trong y khoa, muối iode kali được cung cấp dưới dạng viên nén hoặc dạng dung dịch SSKI (saturated solution of potassium iode). Cả hai dạng viên nén KI và dung dịch SSKI được dùng với nhiều chỉ định khác nhau:

1. Dinh dưỡng:

Nếu nhu cầu iode mỗi ngày của một người là 0,15mg, một giọt SSKI sẽ cung cấp 50mg iode, gấp 333 lần nhu cầu bình thường. Một viên muối KI tiêu chuẩn hàm lượng 130mg (chứa 100mg iode) thì cung cấp gấp 700 lần nhu cầu này. Do đó, các dạng muối đậm đặc SSKI chỉ thường được dùng trong cấp cứu, ít khi dùng trong dinh dưỡng nhằm mục đích bồi phụ iode.

2. Điều trị:

a. Dung dịch iode từ SSKI pha loãng (vài giọt) được sử dụng khá phổ biến làm thuốc tan đàm.

b. Trong cấp cứu cơn bão giáp trạng, người ta cho người bệnh uống SSKI để tạm thời ngăn chặn sự phóng thích thyroxine từ tuyến giáp, thủ phạm của cơn kịch phát của chức năng tuyến giáp.

c. Trước khi mổ cắt tuyến giáp, cho uống SSKI làm mô tuyến giáp rắn lại, ít chảy máu.

3. Bảo vệ tuyến giáp:

Chất iode, kể cả iode phóng xạ rất dễ dàng hấp thu vào tuyến giáp. Tuy nhiên, iode phóng xạ không có chức năng tổng hợp hormone tuyến giáp như iode thiên nhiên mà lại phá huỷ mô tuyến giáp khi được hấp thu. Tính chất phá huỷ tuyến giáp này là cơ sở của liệu pháp điều trị chứng cường giáp bằng đồng vị phóng xạ và có thể dẫn đến suy giáp về sau.

Mức độ hấp thu iode (tự nhiên và phóng xạ) không hằng định mà phụ thuộc vào mức độ bão hoà iode của bản thân tuyến giáp. Khi tuyến giáp đã “no” iode, nó sẽ từ chối hấp thu thêm iode từ bên ngoài vào.

Do đó, để bảo vệ tuyến giáp của bệnh nhân khi phải sử dụng iode phóng xạ vào những mục đích khác (chụp lấp lánh đồ trong khoa y học hạt nhân), y học sử dụng KI để ngăn chặn sự hấp thu có hại của iode phóng xạ vào tuyến giáp.

Tương tự, trong thảm hoạ hạt nhân ở Nhật, có rất nhiều iode phóng xạ I131 bay hơi và khuếch tán ra ngoài môi trường, chúng có thể được hít hay ăn vào và có thể phá huỷ hay dẫn đến ung thư tuyến giáp về sau. Bằng việc chủ động sử dụng muối KI, cơ thể sẽ được bão hoà iode, I131 sẽ không được hấp thu và không tích luỹ bên trong tuyến giáp. Tác dụng bảo vệ tuyến giáp của muối KI sẽ mất sau 24 giờ.

Để có tác dụng bảo vệ tối ưu nhất, phải sử dụng muối KI mỗi ngày với liều 130mg (cho người lớn) cho đến khi không còn nguy cơ phơi nhiễm phóng xạ. Với liều lượng này, sử dụng muối ăn dạng iode hoá hoàn toàn không đủ vì phải cần đến 80 muỗng canh muối ăn mới có hàm lượng iode bằng một viên muối KI.

Do đó, sử dụng muối KI chỉ có tác dụng bảo vệ tuyến giáp khỏi nguy cơ phơi nhiễm iode phóng xạ. Nó hoàn toàn không triệt tiêu được tính phóng xạ của I131 một khi đã nó đã vào được cơ thể hay giảm thiểu tác dụng có hại trên sức khoẻ của những chất phóng xạ khác ngoài I131. Muối ăn dạng iode hoá với hàm lượng thông thường hoàn toàn không có tác dụng bảo vệ nguy cơ nhiễm xạ.

Theo Sài Gòn Tiếp Thị Online