Ở các điểm trình diễn cho thấy giá thành 1kg lúa là 2.242 đồng, thấp hơn đối chứng 534 đồng (bảng dưới). Lãi ở ruộng trình diễn là 13.179.000 đồng/ha, cao hơn ruộng đối chứng 4.497.000 đồng/ha.
Kết Luận:
Qua mô hình sản xuất lúa theo hướng VietGAP có sử dụng phân bón Đầu trâu TE+1, TE +2 cho thấy:
Tính kinh tế:
- Chi phí phân bón giảm được 43.000 đồng/ha và thuốc bảo vệ thực vật cũng giảm được 168.000 đồng so với đối chứng.
- Năng suất trung bình điểm trình diễn là 5,79 tấn/ha cao hơn các điểm đối chứng là 0,87 tấn/ha, thu nhập ruộng trình diễn cao hơn ruộng đối chứng là 4.496.000 đồng/ha. Giá thành 1kg lúa ở ruộng trình diễn là 2.242 đồng thấp hơn đối chứng là 534 đồng.
Tính hiệu quả xã hội, môi trường:
Qua chương trình này đã từng bước giúp nông dân nâng cao trình độ ứng dụng khoa học kỹ thuật. Có thể sử dụng phân bón hợp lý hơn, bón đúng bón đủ, bón theo nhu cầu sinh trưởng của cây lúa.
Trong kỹ thuật sản xuất lúa theo hướng GAP, do áp dụng biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp, các loại dịch hại như rầy nâu, sâu cuốn lá… tới ngưỡng gây hại mới phòng trừ, sử dụng phân bón hợp lý, nhất là phân đạm. Do đó giảm được dư lượng thuốc BVTV và nitrat trong hạt gạo, góp phần vào việc bảo vệ sức khoẻ người tiêu dùng, đồng thời từng bước phát triển nên nông nghiệp sạch để nâng cao khả năng cạnh tranh hạt gạo của Việt Nam.
Tính nhân rộng của mô hình:
- Mô hình này được thử nghiệm có kết quả rất khả quan, công tác khuyến nông giúp người dân tiếp thu tốt kỹ thuật 3 giảm - 3 tăng và GAP, được nhiều nông dân hưởng ứng và áp dụng.
- Từng bước giúp nông dân nhận thấy được những lợi ích trong thâm canh cây lúa theo hướng liên kết cộng đồng.
- Mô hình đã thực hiện được cơ bản các khâu của Chương trình GAP đề ra, mang lại tính thiết thực, cấp thiết và được số đông nông dân trong địa phương đồng tình ủng hộ.
Như vậy, bước đầu canh tác thực tế theo hướng VietGAP đã mang lại hiệu quả kinh tế xã hội, môi trường và triển vọng nhân rộng mô hình, có thể giải quyết được câu hỏi về khả năng thực hiện và hạ giá thành sản xuất lúa thông qua mô hình cụ thể tại Kiên Giang. Còn nhiều mô hình nữa mà chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin trong thời gian tới.
Lê Thanh Tùng (Cục Trồng trọt)