Dân Việt

Xây “chỗ đứng” cho nông sản nội

23/03/2011 20:04 GMT+7
(Dân Việt) - Mấy ngày gần đây, nông dân các huyện An Nhơn, Tuy Phước, Phù Mỹ, Vĩnh Thạnh (Bình Định) bước vào mùa thu hoạch vụ ớt bội thu và được giá.

Theo Sở NNPTNT tỉnh này, ớt tươi được các thương lái thu mua với giá từ 18.000-20.000 đồng/kg, cao gấp đôi so với các vụ ớt trước.

Tính toán của người trồng ớt cho thấy, với giá như hiện nay, mỗi sào ớt nếu đầu tư thâm canh tốt có thể cho thu hoạch từ 1-1,2 tấn ớt quả tươi, thu nhập từ 20-28 triệu đồng trong vòng 3-4 tháng. Việc chuyển đổi cơ câu cây trồng thích hợp đang tạo ra những hiệu ứng tốt, kích thích người nông dân bám ruộng, bám đồng và làm giàu ngay trên mảnh đất quê mình.

Nông dân Bình Định phấn khởi bao nhiêu, thì hàng trăm hộ dân trồng mía ở thị xã An Khê, huyện Đak Pơ... của tỉnh Gia Lai lại dở mếu, dở khóc bấy nhiêu, vì các nhà máy chậm thu mua mía nguyên liệu. Theo thống kê có khoảng 7.000ha mía đang tồn đọng.

Nếu đến cuối tháng 3, mía chưa được nhà máy thu mua hết, sẽ kéo theo một loạt các hiệu ứng không tốt đối với người trồng mía: Năng suất và sản lượng giảm, chậm trễ sản xuất mùa mía mới... Cực chẳng đã, nông dân phải tự tìm đường bán mía cho tư thương với giá thấp hơn giá nhà máy từ 500 đến 650 đồng/kg. Tính ra, mỗi hécta mía nông dân phải chịu thiệt từ 7-8 triệu đồng.

Thực tế ở 2 địa phương cho thấy, “số phận” nông sản là do thương lái quyết định. Và người nông dân vẫn ở trong vòng luẩn quẩn “Trăm sự nhờ trời, vạn sự nhờ tư thương”. Khi hàng hoá nông dân gặp khó trong tiêu thụ, thì Nhà nước cũng chỉ có thể “can thiệp” được bằng mệnh lệnh hành chính như UBND thị xã An Khê, huyện Đak Pơ đã cử các đoàn công tác làm việc với các nhà máy “yêu cầu” đẩy nhanh tiến độ thu mua mía, song kết cục mía ế vẫn cứ ế.

Trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế, nông dân Việt Nam sẽ phải bước nhanh hơn và dài hơn để cạnh tranh với nông sản ngoại và với cả chính mình. Có lẽ, họ cũng là nhóm cộng đồng dễ bị “tổn thương” nhất khi mà giá trị sản phẩm họ làm ra không do bản thân họ định đoạt, khi cái điệp khúc “được mùa rớt giá, được giá mất mùa” cứ liên tục lặp lại như trên.

Nếu không có định hướng đúng, có tính lâu dài về “chỗ đứng” cho nông sản nội trong tương lai gần thì nông thôn Việt Nam dù có được xây dựng đạt tiêu chuẩn nông thôn mới, nhưng vẫn thiếu bền vững khi mà người dân vẫn chưa có được thu nhập ổn định, tiến tới làm giàu ngay trên chính mảnh đất quê hương mình.