Dân Việt

Phát hiện ngàn vàng trên đỉnh núi Rồng

23/03/2011 16:15 GMT+7
(Dân Việt) - Lên núi, ai cũng mong mình sẽ là “ông hoàng” giữa bộn bề châu báu. Tuy nhiên, ở Cao Phong, Hòa Bình có một người lên núi với giấc mơ khác. Đến giờ, sau nhiều năm tìm kiếm, ông đã thật sự… thấy "vàng".

Ông là Dương Ngọc Chiến - Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Cao Phong, Hòa Bình.

Phát hiện bất ngờ

Nhà ông Chiến ở đối diện núi Rồng. Bởi thế, đời ông có nhiều kỷ niệm với ngọn núi kỳ bí này. Trước đây cứ khi nào rảnh rỗi ông lại tha thẩn trên ngọn núi mang trong mình nhiều điều bí ẩn đó.

img
Ông Chiến (trái) chụp ảnh kỷ niệm với tác giả tại hang Không Đáy.

Ông Chiến kể, ông bắt đầu vào cuộc chinh phục núi Rồng cách đây chừng 20 năm. Khi ấy, ông vừa đi bộ đội về. Một buổi, ngồi trước sân nhà, phóng mắt xa xăm, bất ngờ ông phát hiện trên đỉnh núi có một vật thể với hình thù khác lạ. Vật thể ấy trông như chiếc cối xay gió mà ông đã thấy trong phim ảnh nước ngoài.

Trong xóm chưa từng có ai đặt chân lên đỉnh núi bởi vách đá dựng đứng, bởi vậy sự xuất hiện của vật thể kia khiến ông hết sức tò mò. Vậy là sau nhiều ngày chuẩn bị, ông Chiến cùng mấy người cháu trong họ quyết tâm một lần đặt chân lên đỉnh núi để xem vật thể lạ kia.

Sau 3 ngày bấu mình vào từng mố đá, ông và mấy người cháu đã lên được đỉnh núi. Vật thể đó được dựng bằng gỗ, hình tháp, cao chừng 20m. Trên đỉnh vật thể ấy có lắp cánh quạt cũng bằng gỗ. Cánh quạt quay theo chiều gió.

Ông Chiến bảo, những hang, những động trong núi đã hút hồn ông hệt như chàng trai mới lớn trót thầm nhớ trộm yêu tiên nữ giáng trần vậy. Tuy vậy, ông vẫn ước ao, có một ngày nào đó, "nàng tiên" đó không chỉ là của riêng ông, mà là của tất cả mọi người đam mê cái đẹp.

Nhìn những thanh gỗ bắt đầu mục nát, ông đoán, vật thể này người ta đã dựng từ mấy chục năm trước. Có lẽ, ngày trước, khi chiếm đóng Cao Phong, người Pháp đã dựng vật thể này. Tuy nhiên, họ dựng để làm gì thì đến giờ ông Chiến vẫn chưa tìm thấy lời giải đáp.

Ông Chiến kể, lần ấy, khi mắt thấy tay sờ "vật thể lạ" trên núi xong, thỏa mãn tò mò, sớm hôm sau, ông và mọi người quyết định xuống núi. Núi Rồng nhiều đoạn dựng đứng, chinh phục chỉ có cách duy nhất là đu dây nên ông và mọi người quyết định tìm đường khác dễ đi hơn để xuống.

Lần mò tìm đường, vô tình ông phát hiện một miệng hang ở ngay sườn núi phía tây. Miệng hang rộng chừng 1m, tối om. Tò mò, tiện chuyến đi, ông và mọi người quyết định vào hang xem trong đó có gì. Điều lạ lùng, ở ngay cửa hang, không biết tự bao giờ, người ta cắm một thân gỗ lớn xuống thẳng đáy hang. Thân gỗ ấy có nhiều cành, chĩa ra như tay vịn. Theo thân gỗ chắc nịch đó, ông và mọi người tụt xuống đáy hang.

Một điều lý thú, hang đá mà ông và mọi người vô tình phát hiện ấy đích thị là một kiệt tác của thiên nhiên. Hang chạy dài mấy trăm mét nhưng chỗ nào chỗ nấy lung linh nhũ đá. Chúng như dát vàng dát bạc với muôn vàn những hình thù kỳ quái. Những "tác phẩm nghệ thuật siêu phàm" ấy, dù có giàu trí tưởng tượng đến mấy, nếu không được tận thấy ông cũng không thể hình dung.

"Kho báu" bị bỏ quên

Sau chuyến thám hiểm đầu tiên, ông Chiến bỗng thấy lòng mình xa xót. Ông tiếc bởi quê mình đã để một báu vật vô giá ngủ quên.

Quyết tâm hừng hực, ông bắt tay ngay vào hành trình khám phá núi Rồng. Ông Chiến kể, ngày đầu, không thể kiếm đâu ra những thiết bị hỗ trợ chuyên dụng, ông tự bện thừng, tự cắt lốp xe để làm dây leo núi. Vào hang cần ánh đèn sáng trắng, ông tự chế đèn rồi gắn vào những chiếc bình ắc quy loại nhỏ. Cứ cuối tuần ông lại cơm nắm muối vừng lặng lẽ vào rừng.

Sau nhiều năm ăn rừng ngủ núi, đến giờ, ông Chiến đã cơ bản hoàn thành sứ mệnh vĩ đại của mình. Một hệ thống hang động với vô vàn những cảnh đẹp ngoài sức tưởng tượng của con người đã được ông tìm thấy. Trong số đó phải kể đến Thạch động Hoa Sơn, Động Thông gió, hang Lưu Thủy Phong, động Không Đáy…

Trong số những hang động mà ông Chiến đã đánh dấu trên "bản đồ" của mình thì Thạch động Hoa Sơn là nơi ông ấn tượng nhất. Ông Chiến bảo, ông đã đi nhiều nơi, tận thấy nhiều hang động nổi tiếng, nhưng chưa nơi nào khiến ông ngây ngất như ở Thạch động Hoa Sơn. Thạch động này sâu chừng 700m, chia làm nhiều khoang.

Mỗi khoang được bài trí, phối cảnh bằng những loại nhũ đá khác nhau rất đỗi tài tình. Cảnh đẹp ấy ngay cả trong tranh ảnh ông cũng chưa thấy bao giờ. Cứ mỗi lần lên núi về, ông lại "báo cáo" kết quả với mọi người trong xóm. Thế nhưng chẳng ai tin là trên núi Rồng lại có những "báu vật" quý giá ấy.

Nước chảy đá mòn, mưa dầm thấm lâu, nghe ông "thuyết trình" quá nhiều lần, lại thấy ông chăm lên núi, mọi người cũng bán tín bán nghi. Thế rồi một ngày giữa năm 2009, một đoàn cán bộ của UBND huyện và thị trấn bởi bị "cưỡng ép" quá nhiều đã bỏ công cùng ông lên núi tìm hiểu thực hư.

Ông Chiến kể, tận thấy những cảnh đẹp có một không hai đó, nhiều người đã thốt lên rằng sống ở đây đến gần cả đời người mà giờ mới biết quê mình có những kỳ quan mê hồn đến vậy. Đúng là nằm trên đống vàng mà không hề hay biết.

Sau chuyến đi thực tế đó, ngay lập tức thị trấn Cao Phong đã cho dựng biển cấm ở mọi ngả đường dẫn vào núi Rồng. Chính quyền địa phương không muốn những kiệt tác của thiên nhiên ấy bị những bàn tay thiếu ý thức phá hoại.

Bây giờ, khi đã hoàn thành sứ mệnh chinh phục núi Rồng, khi rảnh rỗi, dù một mình ông Chiến vẫn lặng lẽ vào lại núi Rồng...