Xung quanh lễ khai ấn đền Trần, ông Hoàng Tuấn Anh - Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã về làm việc với lãnh đạo Tỉnh ủy và UBND tỉnh Nam Định trong ngày 19.3.
Xem ra, “câu chuyện khai ấn và phát ấn” này vẫn chưa có hồi kết, dù Bộ trưởng Bộ VHTTDL đã thẳng thắn cho rằng: “Chúng ta không bao giờ được từ bỏ vai trò quản lý nhà nước đối với việc quản lý, tổ chức lễ hội.
Dư luận đang đặt ra câu hỏi trong lịch sử có ghi chép việc phát ấn rộng rãi như hiện nay không? Vấn đề đặt ra bây giờ là có nên tiếp tục tổ chức phát ấn nữa hay không?”.
Theo nguyên Giám đốc Sở VHTTDL Nam Định Nguyễn Xuân Năm - tác giả nghiên cứu phục hồi lễ khai ấn- thì “nếu trở lại việc phát ấn như vốn có thì sau khi khai ấn chỉ phát ra 3 ấn để thờ trong 3 di tích là chùa Phổ Minh, đền Trần và đền Cố Trạch”.
Như thế là đã rõ: Lễ phát ấn “như vốn có” chỉ phát 3 ấn tới đúng 3 nơi đều là đền và chùa, không hề có chuyện “phát ấn rộng rãi” cho bàn dân thiên hạ tranh cướp nhau như hiện nay.
29 người đã bị thương hoặc ngất xỉu trong vụ “phát ấn đền Trần” vừa rồi mà Nam Định giấu tiệt, không cho công chúng biết. Nhưng cái mà người ta không thể che giấu đã lộ ra quá rõ và quá gây phản cảm, thậm chí bức xúc trong dư luận cả nước. Bởi cái “hành vi phát ấn” kia không phải nhằm vào một lễ nghi thiêng liêng nào, mà nhằm vào những mục đích vụ lợi, trục lợi thánh thần, đã và đang gây nhức nhối trong xã hội.
Theo PGS.TS Nguyễn Chí Bền thì “mấy năm gần đây đã xuất hiện tình trạng thương mại hoá việc phát ấn”. Tỉnh Nam Định và TP. Nam Định không nên cố chối bỏ thực trạng này, mà nên nhìn thẳng vào sự thật để khắc phục ngay tình trạng vô văn hoá, vô tín ngưỡng qua việc phát ấn tràn lan ấy.
Đã tổ chức lễ hội thì nhà tổ chức nào cũng mong muốn càng đông người tham dự lễ hội thì càng tốt. Ước muốn ấy không có gì sai. Nhưng để thu hút người dự lễ hội mà “sáng tác” ra những điều không hề có trong lễ hội truyền thống nhằm đánh vào những ước muốn tầm thường, những hành vi “buôn thần bán thánh” của cả người bán lẫn người mua, thì tính chất văn hoá và thiêng liêng của lễ hội sẽ hoàn toàn bị xoá sổ.
Không có ông cha nào, thánh thần nào của lịch sử Việt Nam chấp nhận những kiểu “thương mại hoá” kỳ dị và vô văn hoá như vậy. Điều này thì có thể kết luận ngay, chứ không phải như báo cáo của Nam Định là “lễ khai ấn đã tạo ấn tượng tốt”, bởi nói thế là hơi bị... liều! Khi dư luận cả nước đã bức xúc lên tiếng phản đối thì không thể coi thường mà biện minh kiểu đó được!
Thanh Thảo