Tăng bệnh nhân bị viêm não cấp do sốt rubella
Bệnh nhi Lưu Đức Chung đang được cấp cứu vì biến chứng viêm não do rubella (ảnh chụp tại BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương). |
Chiều 22.3 khoa Cấp cứu - Điều trị tích cực (Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương) tiếp nhận trường hợp bệnh nhân Lưu Đức Chung 13 tuổi, (Cầu Giấy, Hà Nội) nhập viện trong tình trạng sốt, co giật tới bất tỉnh. Mẹ bệnh nhân cho biết, trước đó bệnh nhân có biểu hiện sốt nổi mẩn đỏ nên gia đình đã cho đi khám và mua thuốc uống. Tuy nhiên, sau 1 tuần điều trị tại nhà không khỏi, cháu vẫn có hiện tượng sốt cao, co giật dẫn đến ngã cầu thang gây chấn thương đầu và hôn mê sâu.
Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp - Phó trưởng khoa Cấp cứu - Điều trị tích cực cho biết: “Bệnh nhân Chung được xét nghiệm và dương tính với virus rubella. Tuy nhiên do không được điều trị kịp thời bệnh tình đã chuyển sang giai đoạn nguy hiểm dẫn đến tai biến viêm não nặng”.
Không riêng ở Hà Nội, tại Đà Nẵng dịch sốt phát ban cũng đang bùng phát mạnh. Chị Lê Thị Hoàn (quận Hải Châu, Đà Nẵng) phải nhập viện điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng vì có biểu hiện sốt rubella. Chị Hoàn cho biết: “Ban đầu tôi cảm thấy mệt mỏi, đau đầu, sốt, sưng hạch, sau đó khoảng 5 ngày người chị bắt đầu nổi ban. Ban mọc ở trán và lan xuống lưng, kèm theo đó là đau các khớp cổ tay, khớp gối”. Trước đó khoảng 10 ngày, con trai chị cũng nhập viện vì mắc bệnh rubella.
Theo bác sĩ Phạm Ngọc Hàm - Trưởng khoa Y học nhiệt đới Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng, hiện số bệnh nhân đến khám và điều trị bệnh rubella cao gấp 25 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Chỉ trong vòng 1 tuần từ 8.3-15.3, đã có 29 bệnh nhân đến khám và điều trị bệnh rubella, trong đó có 13 ca nặng phải điều trị nội trú, nâng tổng số bệnh nhân từ sau Tết đến nay lên hơn 100 trường hợp.
Dễ bị dị tật bẩm sinh
Đó là khuyến cáo chung của các bác sĩ khoa Sản tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương đối với phụ nữ trước, trong và sau khi mang thai khi khám sàng lọc tại viện có phát hiện dương tính với virus rubella.
Khoa sản, Bệnh viện Phụ sản Trung ương gần đây cũng tiếp nhận tư vấn cho nhiều trường hợp thai phụ bị rubella. Chị Nguyễn Thị Lâm, (Nông Cống, Thanh Hoá) than thở: “Vợ chồng lấy nhau đã được 3 năm, giờ mới có một mụn con, nay tôi lại lây sốt rubella. Hy vọng ra đây các bác sĩ điều trị khỏi bệnh để mẹ tròn con vuông”.
Tuy bị nhiễm rubella, nhưng chị Lâm vẫn còn may mắn hơn nhiều bệnh nhân khác vì thai của chị đã ở tuần thứ 24. Nhiều bệnh nhân bị rubella ở những tuần thai đầu đành ngậm ngùi bỏ con vì biết khả năng con mình sinh ra có thể gặp biến chứng cao gấp nhiều lần so với những đứa trẻ bình thường.
Bác sĩ Nguyễn Văn Hà, (Bệnh viện Phụ sản Trung ương) cũng khuyến cáo: “Thời gian 12 tuần đầu thai kỳ là nguy hiểm nhất. Khi mẹ bị nhiễm virus rubella thì virus này chuyển qua nhau thai vào thai nhi phá hủy hoặc làm chậm sự phát triển của phôi thai gây ra những dị tật bẩm sinh cho thai nhi như bệnh tim, điếc, chậm phát triển…”.
Bác sĩ Hà cũng cho biết thời điểm của tuần thai sẽ quyết định mức độ ảnh hưởng của virus đối với thai nhi. Trong trường hợp thai dưới 12 tuần tỷ lệ thai có thể bị dị tật lên tới 80%, thai nhi càng lớn thì khả năng ảnh hưởng của virus rubella tới thai nhi càng thấp, thai nhi sau 20 tuần thì tỷ lệ này không đáng ngại.
Do đó, biện pháp tốt nhất để phòng, chống bệnh rubella là chị em cần đến các cơ sở y tế tiêm phòng trước khi mang thai khoảng 3 tháng. Đồng thời giữ một chế độ sinh hoạt phù hợp, ăn uống đầy đủ, giữ vệ sinh, tránh tiếp xúc ở chốn đông người...
Minh Nguyệt - Vũ Vân Anh