Dân Việt

Long An: Nhùng nhằng việc bồi thường lúa “điếc”

24/03/2011 14:21 GMT+7
(Dân Việt) - Gần 200 hộ dân ở huyện Bến Lức (Long An) có ruộng gần đường cao tốc đang khốn khổ vì lúa “nghẹn đòng” do ảnh hưởng của ánh sáng đèn.

Trong khi người dân liên tục yêu cầu bồi thường thì các bên liên quan vẫn nhùng nhằng chi trả…

Ngày 23.3, ông Lê Minh Đức – Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Long An cho biết vừa nhận được công văn trả lời của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) về yêu cầu bồi thường thiệt hại cho người dân. Nội dung công văn này vẫn chưa trả lời rõ là có chi trả hay hỗ trợ gì không.

img
Lúa không trổ bông do nằm bên đường cao tốc (xã Thạnh Phú, huyện Bến Lức).

Sau khi tiếp nhận công văn, UBND tỉnh Long An dự kiến trong tuần tới sẽ có buổi làm việc với đại diện Bộ GTVT và các đơn vị liên quan để giải quyết dứt điểm vụ việc.

Trước đó, từ 30.12.2010 UBND tỉnh Long An đã có công văn gửi Bộ GTVT và Bộ NNPTNT kiến nghị xem xét bồi thường 1,89 tỷ đồng cho các hộ nông dân bị thiệt hại lúa do đèn đường cao tốc TP.HCM – Trung Lương gây ra.

Cục Trồng trọt cũng đã kiểm tra và xác định tình trạng lúa không trổ bông là do ảnh hưởng của đèn cao áp trên đường cao tốc (gọi là hiện tượng “cảm ứng quang kỳ” - PV).

Ngày 21.3, hơn 20 nông dân ở huyện Bến Lức (Long An) đã đến TAND huyện Bến Lức nộp đơn khởi kiện đòi Ban Quản lý Dự án Mỹ Thuận (chủ đầu tư dự án đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương) bồi thường. Tuy nhiên, tòa án chưa nhận đơn do nông dân còn thiếu một văn bản trả lời của huyện hoặc của Ban Quản lý Dự án Mỹ Thuận.

Sau khi tỉnh Long An có kiến nghị yêu cầu bồi thường, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu địa phương này chủ trì, phối hợp với Bộ GTVT cân nhắc hỗ trợ nông dân bị thiệt hại. Thế nhưng cho đến nay việc “hỗ trợ” thiệt hại cho nông dân vẫn chưa thực hiện.

Trước đó, năm 2008, đèn cao áp của Nhà máy nước Bình Ảnh (xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa) cũng làm cho các đám ruộng lúa thơm xung quanh không trổ bông. Đơn vị kinh doanh nhà máy nước đã phải bồi thường thỏa đáng cho dân. Những năm sau này, khi đến giai đoạn lúa trổ bông (khoảng đầu tháng 11 âm lịch), bà con yêu cầu nhà máy nước tắt đèn cao áp chừng 10 ngày thì lúa trổ bông, kết hạt bình thường.

Theo ông Đức, sắp tới ngành nông nghiệp sẽ cùng nông dân nghiên cứu chuyển đổi cơ cấu giống xung quanh khu vực có đèn cao áp để tránh thiệt hại. Tuy nhiên, việc chuyển từ trồng lúa sang những giống cây khác, chẳng hạn như thanh long chắc chắn sẽ mất nhiều vốn đầu tư, yêu cầu kỹ thuật. Do đó, địa phương và chủ đầu tư có đường cao tốc đi ngang cần phải tính toán đến việc hỗ trợ kỹ thuật, kinh phí cho bà con nông dân.