Dân Việt

Vất vả hơn làm một mùa lúa

24/03/2011 07:38 GMT+7
(Dân Việt) - Nông dân ở nhiều địa phương gặp nhiều vấn nạn lớn, đó là chất thải từ các nhà máy hủy diệt vật nuôi, cây trồng và ánh sáng đèn cao áp làm lúa bị chết hoặc chậm trổ bông.

Vụ đình đám nhất là Vedan VN xả thải ra sông Thị Vải. Nếu như không có báo chí lên tiếng, các ngành chức năng, Hội Nông dân và giới luật sư xắn tay vào giúp đỡ, thì chuyện cũng khó thành.

Còn các vụ việc khác thì sao? Nông dân chịu thiệt hại và trải qua những đoạn trường thưa kiện nhưng chưa nhận được sự công bằng.

Điển hình như vụ Công ty CP Đường Quảng Ngãi xả chất thải ra sông Trà Khúc, tiêu diệt nguồn lợi thủy sản trong khu vực và ảnh hưởng đến sản xuất, nuôi trồng của các hộ nông dân ven sông.

Những thiệt hại đó được chứng minh bằng các kết luận khoa học, chính quyền cũng chỉ đạo việc bồi thường, nhưng đơn vị gây ra thiệt hại không thực hiện. Đến nước này thì chỉ còn kéo nhau ra tòa, những hộ nông dân bị thiệt hại còn mất nhiều thời gian để có đồng tiền bồi thường.

Một tình trạng rất phổ biến hiện nay là đèn cao áp ở các tuyến đường quốc lộ đã gây thiệt hại cho nông dân trồng lúa.

Đơn cử như 100ha lúa đặc sản ở huyện Bến Lức, tỉnh Long An không trổ bông vì bị ảnh hưởng đèn cao áp trên đường cao tốc. Tiến sĩ Lê Văn Bảnh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu lúa ĐBSCL cho rằng yêu cầu bồi thường của nông dân là chính đáng.

Từ trước đến nay, nông dân vùng này trồng lúa đặc sản và đạt hiệu quả năng suất, nhưng khi có đường cao tốc đi qua, trên đường có đèn cao áp thì lúa không trổ bông. Tiến sĩ Bảnh quả quyết các nhà khoa học và Viện Lúa sẽ có biện pháp giúp nông dân chứng minh thiệt hại làm căn cứ buộc đơn vị gây thiệt hại bồi thường.

Tất cả những cố gắng của các cơ quan chính quyền và sự lên tiếng của các nhà khoa học chưa mang lại kết quả cụ thể bởi sự chủ đầu tư còn chây ỳ, cãi cố việc thực hiện bồi thường cho nông dân. Người ta có đủ lý do để tranh luận, phủ nhận trách nhiệm, nếu kéo nhau ra tòa thì còn nhiều thủ tục pháp lý, mất thời gian cho cả hai phía. Để có được đồng tiền bồi thường, nông dân còn vất vả hơn cả làm một mùa lúa.

Cho nên, giúp người nông dân không chỉ là giải quyết hậu quả, mà quan trọng là ngăn chặn thiệt hại ngay từ đầu. Nếu như các cơ quan hữu trách xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về môi trường, không để đổ chất thải ra sông thì sẽ không có hậu quả.

Đối với các tuyến đường quốc lộ, đường thì phải có đèn, nhưng nếu xây dựng ở những nơi có trồng lúa, chủ đầu tư phải có những biện pháp xử lý hoặc thỏa thuận với nông dân để tránh những rắc rối về sau. Nếu cứ để tình trạng này, sẽ còn nhiều vụ thưa kiện, thiệt hại chung cho toàn xã hội.