Lưu giữ lịch sử
Chùa Diên Phúc tọa lạc tại cụm 7, thôn Hạ Hiệp, xã Liên Hiệp, huyện Phúc Thọ - được công nhận là di tích lịch sử, văn hóa cấp thành phố năm 2006. Theo lịch sử chùa ghi chép, chùa Diên Phúc, được xây dựng vào năm 1362 với tổng diện tích là 5 mẫu, 4 sào, được thiết kế 5 gian với kiến trúc “nội công ngoại quốc”.
Mái của ngôi chùa bị cháy gần như toàn bộ, hiện được lợp tạm bợ bằng mái tôn. |
Tượng Phật được làm toàn bộ bằng gỗ và đất nung. Trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, chùa là nơi sinh hoạt, hội họp của nhân dân trong làng, là cơ sở để cán bộ cách mạng bám dân chống giặc. Theo các cụ cao tuổi trong làng thì chùa Diên Phúc còn gắn liền với lịch sử vị tướng quân Hoàng Đạo (1 trong 14 vị tướng của Hai Bà Trưng).
Hiện nay chùa Diên Phúc vẫn giữ được nét kiến trúc cổ kính. Bên trong chùa còn 59 pho tượng thời Lê, được làm bằng gỗ, đất nung và nhiều di vật cổ, quý có niên đại vài trăm năm tuổi như: Bia Trần Đại Trị thứ 5 (1362); khánh cao thời Hoàng triều Gia Long, 1 quả chuông nặng 4,2 tạ có niên đại từ thời nhà Nguyễn; bát hương Thổ Hà từ thế kỷ XIX; 3 bát hương sứ thời Nguyễn; 9 viên gạch hoa chanh thời Mạc.
Một chiếc cột bị cháy gần hết. |
Trải qua những thăng trầm của lịch sử và sau 4 lần trùng tu sửa chữa, đến tháng 5. 2011 ngôi chùa bị cháy. Theo sư trụ trì Thích Giác Nghiêm và các vãi ở chùa cho biết: Sự cố cháy chùa là do chập điện và hiện nay diện tích đất chùa bị thu hẹp rất nhiều, chỉ còn 1.082m2 do 2 trường học của xã đã xây dựng lên đất của chùa.
Tượng vẫn nằm chờ
Theo quan sát của chúng tôi, ngôi chùa nằm thu mình ở giữa, 2 bên là trường học và diện tích đất của chùa còn rất ít. Đặc biệt, phần mái của 5 gian chùa bị cháy gần như toàn bộ. Một số kèo, cột, xà, câu, kiện, rui, mè, câu đối được tận dụng giữ lại nhưng cũng bị cháy đen thui. Nhiều pho tượng gãy chân, mất tay, sứt mẻ các kiểu. Nhưng hiện nay việc sửa chữa, tu bổ chùa vẫn chỉ qua loa bằng cách lợp mái tôn nên không che nổi mỗi khi trời mưa, đứng bên trong chùa có thể nhìn thấy cả bầu trời phía trên đầu.
Được biết, sau sự cố cháy chùa, UBND huyện Phúc Thọ đã cấp kinh phí 50 triệu để sửa chữa, tu bổ. Do kinh phí hạn hẹp nên chỉ lợp tạm bằng mái tôn và xây dựng các công trình như nhà khách, nhà vệ sinh, gác chuông, sân và mua thêm tượng.
Nghe tin có phóng viên đến, người dân Hạ Hiệp và các phật tử kéo đến đề nghị cứu lấy ngôi chùa. Bà Sửu - một phật tử than thở: “Các cụ cao tuổi trong làng đã thành lập 4 nhóm, mỗi ngày cử 4 cụ đến ngày đêm, ngủ tại chùa để trông nom. Khổ lắm, mỗi khi trời mưa là chúng tôi lại phải dùng túi nylon để che cho các pho tượng, và dùng vải để thấm nước dưới nền. Trời mưa là chùa bị dột, nước hắt vào nhiều lắm”.
Còn trụ trì Thích Giác Nghiêm lo lắng: “Toàn bộ tượng Phật được làm bằng gỗ, đất nung nên mưa là chúng tôi phải che không thì sẽ hỏng mất. Nếu mưa bão thì nguy cơ chùa bị tốc mái và sập bất cứ lúc nào. Mong thành phố sớm cấp kinh phí và có kế hoạch tu bổ, xây dựng cho chùa yên cảnh đẹp xứng đáng với danh hiệu di tích lịch sử, văn hóa cấp thành phố”.
Nguyễn Đỗ Đức