Chiến tranh đã lùi xa, vậy mà hàng ngày, hàng giờ, người dân vẫn bị sát thương, bị thiệt mạng bởi bom mìn, vật nổ... Làm sao để gỡ bom mìn, giải phóng đất đai nhanh chóng là câu hỏi đau đáu của Đội thu gom, xử lý bom mìn, vật liệu nổ của Lữ đoàn Công binh 25, Quân khu 9.
Mang sự an toàn cho dân
Mỗi khi nhắc đến bộ đội công binh, gia đình bà Nguyễn Thị Ba ở huyện Mỹ Tú (Sóc Trăng) lại tràn ngập lòng biết ơn, bởi cách đây không lâu, những người lính ở Lữ đoàn Công binh 25 đã xử lý thành công một quả bom cháy nặng 100 cân Anh (khoảng gần 50kg) ở vuông tôm nhà bà. Bà cho biết, quả bom này đã “ngủ quên” ở vuông tôm nhà bà mấy chục năm qua.
Bom mìn được hủy nổ tại trường bắn Sư đoàn 330, Quân khu 9. |
“May được xử lý sớm nên không có thương vong. Nghĩ chuyện nằm cạnh quả bom mà sợ”- bà Ba nói. Gần đây nhất vào cuối tháng 8.2012, tại sân bay Kiên Lương, Kiên Giang, những người lính công binh đã xử lý thành công 7 quả bom, gồm 2 quả nặng 750 cân Anh, 4 quả nặng 500 cân Anh và 1 quả nặng 250 cân Anh. Tròn 1 năm ngày thành lập, Đội thu gom, xử lý bom mìn vật liệu nổ Lữ đoàn Công binh 25 đã thực hiện hàng chục lần rà phá, xử lý bom như vậy.
Thiếu tá Trần Quốc Khánh - Đội trưởng cho biết, điều quan trọng nhất trong việc xử lý bom mìn, vật liệu nổ là phải nắm chắc nguyên lý, tính năng, cấu tạo, nhất là quy tắc bảo đảm an toàn. “Nhờ nắm vững cấu tạo từng loại bom, thời gian qua, chưa có trường hợp nào chúng tôi phải hủy nổ tại chỗ, tất cả đều được những người lính công binh xử lý an toàn mỗi khi có lệnh”- anh Khánh nói.
Dũng cảm vô song
Thiếu tá Trần Quốc Khánh bày tỏ, khi tiếp cận nơi có bom thì không chỉ nguy hiểm trong khâu đào tìm, mà việc xử lý ngòi nổ cũng vô cùng nguy hiểm. Nằm sâu trong lòng đất nhiều năm nên ngòi nổ đã bị mục, chỉ sơ suất một chút sẽ nguy hiểm đến tính mạng của mình và những người xung quanh. Do đó, công việc đòi hỏi phải hết sức thận trọng.
“Nếu quả bom, đạn nằm trên vị trí đất khô thì đỡ cực, còn nếu nằm dưới mặt nước thì việc đào tìm khó khăn gấp bội. Mọi người phải dầm mình dưới nước trong nhiều giờ, dùng dụng cụ dò tìm để xác định vị trí của những quả bom, đạn, rồi đào tìm, đưa lên mặt đất”- anh Khánh mô tả
Địa bàn hoạt động của các anh rất rộng. Thời gian qua, bước chân các anh đã đi qua các tỉnh Bến Tre, Đồng Tháp, Sóc Trăng, Kiên Giang và khu vực thuộc Lữ đoàn pháo Phòng không 226, Lữ đoàn Pháo binh 6 để rà phá bom. Tổng số bom mìn tiêu hủy lên tới 31,2 tấn, trong đó có 18 quả là loại bom “khủng” có sức công phá cực lớn.
Với các anh, “cuộc chiến” với tử thần còn sót lại sau chiến tranh chưa có hồi kết, nhưng với sự dũng cảm vô song của mình, các anh tin mình sẽ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Quang Đức