Ông Hà Minh Triều - Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp Phước Trung, tỉnh Hậu Giang than thở: “Lúa đầu tư lấy chứng chỉ GlobalGAP chi phí đắt hơn lúa trồng theo kiểu truyền thống, chỉ tính riêng tiền lấy rồi tái nhận chứng chỉ qua mỗi năm đã gần cả trăm triệu đồng. Đầu tư cực khổ mà lúa bán ra giá lại cào bằng với lúa thường, có lúc thậm chí còn thấp hơn làm chúng tôi thất vọng hết sức”.
Theo phản ánh của bà con, nguyên nhân khiến cho họ chưa "kết" lắm các mô hình GAP là do khâu đầu ra chưa ổn định, giá thấp. "Để có sản phẩm VietGAP đạt yêu cầu, chúng tôi tốn rất nhiều công chăm sóc và vốn đầu tư, có khi phải thức cùng, ngủ cùng thanh long nhưng khi ra thị trường vẫn bị đánh đồng về chất lượng và giá cả với các sản phẩm sản xuất thường khiến nông dân chúng tôi rất nản" - anh Nguyễn Đình Lưu (xã Bông Trang, huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu), một hộ trồng thanh long ruột đỏ theo tiêu chuẩn VietGAP tâm sự.
Theo Th.S Đoàn Hữu Tiến, Viện Nghiên cứu cây ăn quả Miền Nam, cái khó đối với nhiều tổ hợp tác, HTX sản xuất trái cây theo VietGAP hiện nay là khâu quảng bá giới thiệu sản phẩm chưa thực hiện hoặc có làm nhưng không hiệu quả. Không ít trường hợp sản xuất ra và ngồi chờ khách hàng đến mua, khách hàng cũng chẳng biết ở đâu có sản phẩm VietGAP để tiếp cận. Cung chưa gặp cầu, khiến cho giá cả sản phẩm trái cây sản xuất theo GAP chưa cải thiện.
Bộ NNPTNT thống kê, đến hết năm 2011, tổng diện tích cây trồng cả nước được sản xuất theo VietGAP hoặc GlobalGAP đạt trên 75.000ha, trong đó có 15.000ha rau, quả, chè, lúa và trên 60.000ha cà phê, ca cao được chứng nhận 4C, UTZ… Tuy nhiên, đến nay, một số nông dân của HTX Vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim (Tiền Giang) và HTX Bưởi Năm Roi Mỹ Hòa (Vĩnh Long) đã nộp đơn xin ra khỏi HTX sản xuất theo GAP.
Và hệ quả đi theo tình trạng này là hiện các doanh nghiệp thiếu hàng để xuất khẩu. Bà Nguyễn Thị Chánh Thu - Giám đốc Công ty Chánh Thu (Bến Tre) cho biết đang vào mùa xuất khẩu trái cây nghịch vụ như thanh long, chôm chôm, nhãn, xoài, bưởi,… đi EU, Mỹ nhưng không có đủ hàng do diện tích trồng theo VietGAP, GlobalGAP đạt tiêu chuẩn xuất khẩu hạn chế. “Công ty đã phải bỏ lỡ nhiều hợp đồng giá cao do nguồn cung quá ít. Thật tiếc khi đây là cơ hội để cải thiện giá cả cho sản phẩm GAP của nông dân” – bà Thu chia sẻ.
Phụng Anh