Dân Việt

Bạn của người nghèo

14/11/2012 07:15 GMT+7
(Dân Việt) - Chỉ với 5-10 triệu đồng vốn vay ưu đãi, nhiều hộ ND nghèo ở Cần Thơ không những ra khỏi danh sách nghèo, mà đã có tích lũy...

Ông Hồ Phước Tân - Phó Giám đốc Ngân hàng CSXH TP.Cần Thơ cho biết, tính đến hết quý III/2012, tổng dư nợ 10 chương trình tín dụng chính sách của Ngân hàng CSXH thành phố đạt trên 980 tỷ đồng, với 91.357 hộ còn dư nợ, hoàn thành 95% kế hoạch năm. Toàn thành phố có 2.514 tổ tiết kiệm và vay vốn (TKVV), số dư tiền gửi tiết kiệm thông qua tổ TKVV đạt trên 25 tỷ đồng (tăng gần 7,5 tỷ đồng so với cuối năm 2011).

img
Vốn vay ưu đãi, gia đình anh Nguyễn Thiện Trí mở xưởng làm bánh mì.

Vượt nghèo từ 5 triệu đồng

Vợ chồng anh Nguyễn Thiện Trí, ngụ phường Hưng Lợi, quận Ninh Kiều chia sẻ: "Trước đây gia đình tôi sống trong ngôi nhà lá ọp ẹp, được Ngân hàng CSXH cho vay 5 triệu đồng cộng thêm vốn liếng của người thân cho mượn, vợ chồng tôi mở xưởng làm bánh mì ngọt. Nhờ xưởng bánh mì này, gia đình tôi không những thoát nghèo, mà còn có của ăn của để".

"Cảm ơn chính quyền địa phương, Ngân hàng CSXH thành phố cho mẹ con tôi vay vốn để học hành và làm ăn ổn định" - đó là tâm sự của chị Bùi Thị Hồng Cúc, ngụ phường Hưng Lợi, đã có vốn làm ăn, nuôi con đi học với 21 triệu đồng Ngân hàng CSXH thành phố cho vay.

Chị Phạm Thị Thanh Thuận - Tổ trưởng tổ TKVV phường Hưng Lợi cho biết, không chỉ gia đình anh Trí, chị Cúc mà hàng chục hộ trong tổ của chị đã thoát nghèo, có của ăn, của để từ đồng vốn vay ưu đãi.

Hội ND- cánh tay nối dài của ngân hàng

Ông Lăng Chánh Huệ Thảo - Trưởng phòng Kế hoạch nghiệp vụ tín dụng, Ngân hàng CSXH TP.Cần Thơ thông tin: Tính đến hết quý III/2012, dư nợ ủy thác của các tổ chức hội đoàn thể là 969 tỷ đồng (chiếm 98,93% tổng dư nợ), trong đó ủy thác qua tổ chức Hội ND trên 396 tỷ đồng (chiếm 40,94%). Các tổ chức hội đoàn thể, trong đó có Hội ND là cánh tay nối dài của Ngân hàng. Qua các tổ chức này, đồng vốn đến đúng đối tượng, được sử dụng đúng mục đích, sinh lời... Tuy nhiên, theo ông Thảo, vẫn còn tình trạng nợ xấu, nợ quá hạn, nợ lãi tồn đọng tăng.

“Nhờ xưởng bánh mì này, gia đình tôi không những thoát nghèo, mà còn có của ăn của để".

Ông Tân cho biết: "Nhằm nâng cao chất lượng tín dụng chính sách, hạn chế tỷ lệ nợ xấu có chiều hướng gia tăng, Ngân hàng thành phố vừa xây dựng đề án nâng cao chất lượng hoạt động đến năm 2014. Bước đầu đã tạo ra được sự chuyển biến rõ rệt trong nhận thức của người dân về việc trả nợ ngân hàng".

Theo ông Tân, một trong những giải pháp nâng cao chất lượng tín dụng đó là "Tập trung chỉ đạo củng cố, nâng cao chất lượng ủy thác của các đơn vị yếu, kém và hoạt động của tổ TKVV; tích cực và chủ động hơn trong việc phối hợp với chính quyền địa phương và ngân hàng để thu hồi nợ (gốc, lãi) tồn đọng, nợ chiếm dụng; gắn hoạt động này với chỉ tiêu đánh giá thi đua trong hệ thống các hội đoàn thể.

Song song đó, hội đoàn thể cấp xã tiếp tục phối hợp tốt với các trưởng ấp từ khâu bình xét cho vay tại từng tổ TKVV, đến khâu kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn vay và đôn đốc thu hồi, xử lý nợ của hộ vay".