Dân Việt

Vàng, nghị quyết và thống đốc

14/11/2012 06:35 GMT+7
(Dân Việt) - Câu chuyện SJC được ĐBQH Nguyễn Văn Tuyết chất vấn Thống đốc ngân hàng Nguyễn Văn Bình kèm theo cụm từ “lợi ích nhóm”.

Vì sao cơ chế quản lý kinh doanh vàng miếng chưa đưa giá vàng trong nước sát với giá vàng thế giới? Vì sao không tập trung quản lý chất lượng vàng lại quản lý bằng nhãn hiệu (SJC) và “không có vấn đề lợi ích nhóm không?”.

Thực sự hùng biện, Thống đốc nêu ra hàng loạt con số “10-13 tấn vàng được buôn lậu qua biên giới mỗi năm”, “chợ đen hoạt động sôi nổi khiến tỷ giá chính thức cũng tăng theo”. “12 ngàn cửa hàng bán vàng như loại hàng hóa bình thường”.

Ông thậm chí còn nói tới việc “ngoại tệ từ mồ hôi được phục vụ cho buôn lậu vàng”. Và đây chính là nguyên nhân của việc Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng, xử phạt cao, kèm theo hình thức “tịch thu sung công quỹ”.

Nếu có một tuyên bố bản chất nhất của câu chuyện vàng, thì đó là khẳng định của Thống đốc: “Thực tế giá vàng trong nước cao hơn giá thế giới. Nhà nước không cấm, nhưng đây là hình thức kinh doanh có điều kiện, không khuyến khích và không phải bình ổn”. Về vấn đề thương hiệu độc quyền SJC, Thống đốc cho biết do SJC đang “chiếm hơn 90% thị trường” và “cần chuẩn hóa về 1 loại vàng”.

Không khó để nhận thấy Thống đốc có nhiệm vụ cụ thể và ông thực hiện bằng mọi cách, có vấn đề gì thì “xin Quốc hội thông cảm”.

Đỉnh điểm của phiên chất vấn, ĐBQH Nguyễn Văn Tuyết bức xúc bắt đầu bằng câu: “Ông đừng nghĩ dân không biết gì”. Ông Tuyết sau đó trích dẫn 2 bản nghị quyết, trong đó có nghị quyết mà QH vừa thông qua nói rõ chữ “liên thông” (với thị trường thế giới) và đảm bảo quyền lợi của người dân để thẳng thừng chất vấn Thống đốc có tuân thủ Nghị quyết của QH hay không?

Ông Bình mỉm cười và nói: “Chính vì thực hiện NQ 2011 của Quốc hội nên NHNN phải cho nhập 15 tấn vàng vào quý IV/2011. Giai đoạn đó chúng tôi xây dựng gần xong Nghị định 24. Sau đó, chúng tôi kiên quyết không cho nhập 1 kg vàng nào nữa. Việc đã làm không còn ý nghĩa thực tiễn nữa. Môi trường pháp lý đã thay đổi. Nghị quyết lần này có nói nhưng chúng tôi đã báo cáo xin ý kiến Chính phủ và Chính phủ đã có ý kiến với nội dung này trong dự thảo nghị quyết QH.

Hết.

Nhưng vấn đề đến đây chưa hết. Bởi những tuyên bố của Thống đốc đang mở ra một vấn đề mới, còn nghiêm trọng hơn câu chuyện quản lý vàng: Đó là việc hoặc nghị quyết của QH sai, do đó Thống đốc không thực hiện. Hoặc việc Thống đốc cứ làm, bất chấp nghị quyết của QH như thế nào. Vấn đề còn là lựa chọn của một bộ trưởng hành pháp, đã thực hiện theo một nghị định do chính ngành mình soạn thảo, từ chối NQ của QH với danh nghĩa “đã có ý kiến lại”.

Hôm qua, có tới 5 chất vấn hỏi về “lợi ích nhóm”. Thống đốc khẳng định là có, nhưng chỉ có trong lĩnh vực “cổ đông, khách hàng liên quan đến khu vực bất động sản”. Nhưng người dân và ĐBQH cũng không khó để nhận ra có hay không vấn đề lợi ích nhóm trong câu chuyện SJC.