Con người của sự kinh doanh
28 năm trước, Johnathan Hạnh Nguyễn là người đã có nhiều nỗ lực trong việc đàm phán để mở tuyến bay chính thức giữa Việt Nam với Philippines. 2 năm sau đó, ông là một trong những Việt kiều đầu tiên về nước đầu tư khi thành lập Công ty Liên Thái Bình Dương-Imexpan Pacific (IPP). Hiện tại ông là Chủ tịch IPP.
Từ năm 1996 đến nay, IPP đã đầu tư hoặc hợp tác đầu tư 30 dự án với tổng số vốn hơn 280 triệu USD. Ông Hạnh cho biết, những dự án này mang lại doanh số hằng năm khoảng 460 triệu USD và tạo công ăn việc làm cho hơn 20.000 lao động ở Việt Nam. Ông đứng sau những thương vụ đầu tư lớn như Siêu thị Miền Đông; Khách sạn Nha Trang Lodge; cửa hàng miễn thuế tại các sân bay nội địa và 4 quốc gia ở Đông Nam Á.
Đặc biệt, tên tuổi của ông và IPP gắn liền với hệ thống cửa hàng thời trang và mỹ phẩm chuyên bán hàng hiệu. Hàng thời trang cao cấp được IPP đưa về và bán tại khu mua sắm Rex Arcade và các trung tâm thương mại.
Ông Hạnh cho biết thành công được như ngày nay là do ông đã giữ vững tiêu chí kinh doanh chậm mà chắc.
Khi quyết định đầu tư vào dự án nào, ông phải nắm chắc đó là lĩnh vực tiên phong và có lợi thế cạnh tranh tại Việt Nam.
Ông Jonathan Hạnh Nguyễn vinh dự đón nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ |
Ông chọn đầu tư vào hàng không, du lịch, trung tâm thương mại, không đầu tư tràn lan, đặc biệt là không lấn sang bất động sản hay chứng khoán. "Phải đi trước và đi đường dài chứ không phải chạy theo phong trào vì tôi là nhà đầu tư chứ không phải nhà đầu cơ", ông bày tỏ.
Ông cho biết ước mơ lớn nhất của mình là 10 năm nữa sẽ mở một trung tâm thương mại lớn nhất tại Việt Nam như mô hình Asia Mall của Philippines. Trung tâm sẽ có quy mô hơn 380.000 m2, bán cả hàng hiệu và hàng hóa khác. Ông dự tính tổng vốn đầu tư khoảng 1 tỉ USD. Song song đó, IPP cũng sẽ đầu tư mở một khu chuyên bán hàng lỗi mốt, lỗi mùa, khuyến mãi...
Mỗi ngày khi xong công việc, ông Hạnh lại về với mái ấm của mình tại quận 2, TP.HCM. Vợ ông là diễn viên điện ảnh Lê Hồng Thủy Tiên, từng đóng phim Vị đắng tình yêu. Sau khi lập gia đình, chị rút lui khỏi màn ảnh và trở thành Tổng Giám đốc Công ty IPP. Vợ chồng ông có 1 con gái năm nay 16 tuổi và 1 con trai 14 tuổi. Ngoài ra, ông còn có 2 cậu con trai từ cuộc hôn nhân đầu là Louis Nguyễn và Phillip Nguyễn. Louis Nguyễn là người vừa cưới Tăng Thanh Hà.
Cơ ngơi hàng hiệu Rex Arcade
Sang đầu năm 2011, Tập đoàn Imex Pan-Pacific (IPP) của doanh nhân Việt kiều Johnathan Hạnh Nguyễn đã đầu tư hơn 40 triệu USD cho trung tâm mua sắm hàng hiệu cao cấp Rex Arcade tọa lạc tại khách sạn Rex. "Ngay trong năm đầu tiên, chúng tôi đã đạt mức doanh thu tăng trưởng hơn 38% so với dự kiến", ông Hạnh cho biết.
Rex Arcade tập trung vào 4 yếu tố: sản phẩm, phân phối, giá cả và truyền thông. |
Về giá cả, hầu hết hàng hiệu bán tại Rex Arcade đều có giá bán từ vài trăm USD đến vài chục ngàn USD.
Hầu hết hàng hiệu bán tại Rex Arcade đều có giá bán từ vài trăm USD đến vài chục ngàn USD
Đặc biệt, các sản phẩm được kinh doanh dựa trên triết lý "không lẫn vào đám đông" nên thường ít giảm giá, khuyến mãi, thậm chí cả trong tình hình kinh tế suy giảm.
Cách làm truyền thông của Rex Arcade cũng được IPP cố gắng tạo sự khác biệt. Ngay từ thời điểm ra mắt các gian hàng như Salvatore Ferragamo, Cartier, Rolex, giới tiêu dùng đã được xem các buổi trình diễn thời trang kết hợp giới thiệu trang sức do các ngôi sao giải trí trong nước và quốc tế thực hiện. Chi phí tổ chức các sự kiện này thường lên tới tiền tỉ.
Ngoài ra, các kênh truyền thông khác mà IPP đang sử dụng là quảng cáo trên những tạp chí thời trang, tạp chí trên các chuyến bay nội địa và quốc tế. Đặc biệt, ông Hạnh cho biết IPP đang phối hợp với Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch xúc tiến chương trình: "Năm du lịch hàng hiệu 2013" tại Việt Nam nhằm thu hút ngoại tệ thông qua việc mua sắm hàng hiệu cao cấp từ hàng triệu du khách nước ngoài.
"Sau gần 2 năm hoạt động, Rex Arcade đạt tăng trưởng doanh thu 38% trong năm 2011, nhưng chúng tôi chỉ đặt mục tiêu tối đa 10% cho năm nay do tình hình không thuận lợi. Điểm tích cực là IPP hiện đã chiếm gần 70% thị trường hàng hiệu cao cấp tại Việt Nam", ông Hạnh nói.
Một trong những thành viên mang lại cho IPP doanh thu lớn nhất là Công ty Imexpan Pacific, nhà phân phối độc quyền nhiều sản phẩm hàng hiệu tại Việt Nam. Đánh giá về tốc độ phát triển của thị trường hàng hiệu tại Việt Nam, ông Hạnh cho biết: "Phải nói là tăng trưởng rất nhanh, bình quân tốc độ tăng trưởng của Công ty là 38%, năm nay dự tính chỉ đạt 10% do kinh tế suy thoái".
Trở về quê hương sinh sống và phát triển sự nghiệp đến nay đã 28 năm, ông Hạnh chia sẻ rằng kiều bào nói chung và giới doanh nhân trí thức kiều bào là nguồn lực mà Nhà nước vẫn chưa khai thác hết. Theo ông, Nhà nước cần tạo thêm điều kiện thuận lợi cho kiều bào khi họ về nước đầu tư.
Sinh năm 1951 tại Nha Trang
Các vị trí từng đảm nhiệm: Tổng đại diện hàng không Philippines tại Đông Dương, sau đó là Việt Nam; Tổng Giám đốc Công ty ImexPanPacific.
Từ năm 2004 đến nay: Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPP).
Tháng 5.2012: được Hạ viện Philippines vinh danh vì những đóng góp trong việc thắt chặt quan hệ Việt Nam-Philippines.
Các thành tích khác: Bằng khen của Bộ Ngoại giao Việt Nam năm 2003; Bằng khen của Thủ tướng năm 2008; Huân chương lao động hạng 3 năm 2009; Huân chương lao động hạng 2 năm 2011; Huân chương hữu nghị do Chủ tịch nước ký tặng.