Dân Việt

Phá rừng vì thiếu đất sản xuất

24/12/2012 06:14 GMT+7
(Dân Việt) - Cuối tháng 10 vừa qua, tại thôn A Đền, xã Mà Cooih, huyện Đông Giang (Quảng Nam) đã diễn ra cuộc họp kiểm điểm các đối tượng vi phạm pháp luật, phá rừng phòng hộ Thủy điện A Vương, để làm rẫy.

Không xử lý hình sự

Nhà Gươl hôm đó chật kín người với sự có mặt của hơn 100 đồng bào Cơ Tu của 2 khu tái định cư Pachêpalanh và Cutchơrun, thuộc xã Mà Cooih.

img
Rừng phòng hộ ở Đông Giang bị một số người dân tại các khu tái định cư Thủy điện A Vương xâm hại.

Trước đó, tổ công tác liên ngành huyện Đông Giang kiểm tra và phát hiện người của 27 hộ dân ở xã Mà Cooih đã phá rừng phòng hộ Thủy điện A Vương, với tổng diện tích rừng thiệt hại là 13,6ha. Các đối tượng phạm tội lần đầu, đều thuộc những gia đình nghèo, gia đình chính sách, có nhân thân tốt, chưa có tiền án tiền sự, vi phạm vì trình độ nhận thức pháp luật kém.

Mục đích phá rừng của họ là để làm rẫy, phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, cải thiện cuộc sống chứ không phải lấy gỗ... Do đó, các cơ quan chức năng tỉnh Quảng Nam đã thống nhất là sẽ kiểm điểm toàn bộ 27 đối tượng trước nhân dân, yêu cầu ký cam kết không tái phạm.

Tại buổi kiểm điểm, 27 đối tượng này đều nhận thức được việc làm sai trái của mình, đã xâm phạm đến rừng phòng hộ. Họ cũng bày tỏ sự biết ơn trước chính sách khoan hồng độ lượng của Nhà nước ta và ký cam kết không tái phạm cũng như không xâm phạm vào rừng phòng hộ. “Việc phá rừng làm rẫy của bà con là một sai phạm rất lớn. Không bỏ tù là mừng lắm” - ông A Ta Đum - Phó thôn A Đền nói.

Một câu hỏi lớn là vì sao những hộ dân quanh năm sống với núi rừng, luôn coi rừng là mái nhà chung của mình, lại xâm hại rừng phòng hộ?

Cũng vì không có đất

Năm 2006, khi Nhà nước thực hiện tái định cư Thủy điện A Vương, theo quy định, mỗi hộ dân được cấp diện tích 1ha đất để sản xuất nông nghiệp. Nhưng trên thực tế, mỗi hộ dân ở 2 khu tái định cư Pachepalanh và Cutchơrun chỉ được nhận từ 0,3 - 0,5ha. Không những thế, đất mà người dân được cấp không đảm bảo canh tác và sản xuất vì không có hệ thống thủy lợi, đất đai thì bạc màu; các cơ quan chủ rừng, kiểm lâm trên địa bàn còn thiếu trách nhiệm trong việc kiểm tra, ngăn chặn các vụ phá rừng làm rẫy của người dân ngay từ đầu...

Già làng A ral Buôc ở thôn A Đền cho rằng: “Nên giao đất rừng dọc đường Hồ Chí Minh để người dân quản lý, bảo vệ, người dân phải thật sự hưởng lợi từ rừng thì rừng mới được bảo vệ”.

Cũng liên quan đến vấn đề chuyển đổi đất đai tại khu tái định cư Cutchơrun, nhiều người dân sinh sống tại đây rất bức xúc.

Ông Hốih Bách - Trưởng ban công tác mặt trận thôn A Đền đặt câu hỏi: Tại sao các cán bộ của Ban quản lý rừng phòng hộ A Vương ở đồng bằng lên đây lại có đất để trồng keo với diện tích lên đến vài chục ha, còn bà con địa phương tại chỗ, nhường đất sản xuất, đất ở làm Thủy điện A Vương, về nơi ở mới lại không được bố trí đất sản xuất?

Để có thể ổn định đời sống cho dân cư ở 2 khu tái định cư nói trên, ông Lê Văn Luyến - Phó Chủ tịch huyện Đông Giang đưa ra giải pháp: Nuôi cá lồng, bè trên lòng hồ Thủy điện A Vương, quy hoạch các giống cây trồng phù hợp với điều kiện thổ những, hỗ trợ người dân trồng cây mây nguyên liệu dưới tán rừng. Tiến tới giao đất rừng cho bà con quản lý theo mô hình chi trả dịch vụ môi trường rừng...