PV
NTNN đã có cuộc trò chuyện với nghệ sĩ guitar Hawaii Đoàn Đính - con trai nhạc sĩ Đoàn Chuẩn về chương trình này.
Đã lâu rồi những người yêu nhạc Đoàn Chuẩn mới được thưởng thức một đêm nhạc của ông tại Hà Nội, vào đúng tiết trời thu sang. Lý do nào để có đêm nhạc này, thưa nghệ sĩ guitar Đoàn Đính?
Nhạc sĩ Đoàn Chuẩn - Từ Linh trong căn gác tại phố Cao Bá Quát.
- Cách đây ít lâu, phía bên nhà tổ chức Chương trình “Thu về trên phố” có liên hệ với gia đình chúng tôi nói là muốn làm một chương trình vinh danh các tác giả Đoàn Chuẩn- Từ Linh- Trịnh Công Sơn và mời tôi cùng tham gia trình diễn guitar Hawaii. Về phía gia đình tôi thì hết sức vui lòng với đề xuất này bởi những bản nhạc của cha tôi nếu được vang lên dưới trời Hà Nội vào thu thì thật không còn một hạnh phúc nào bằng. Bởi nhiều người đã coi Đoàn Chuẩn là một trong những nhạc sĩ có những sáng tác bất hủ về mùa thu Hà Nội.
Ông có thể giới thiệu kỹ hơn về chương trình này?- Tôi thấy đây là một chương trình ca nhạc được thực hiện công phu, kỹ lưỡng với 3 giọnghát nữ hàng đầu trong dòng nhạc này là ca sĩ Ánh Tuyết, Hồng Nhung, Mỹ Linh. Chương trình còn có sự tham gia của nghệ sĩ violon Bùi Công Duy và nghệ sĩ saxophone Trần Mạnh Tuấn, tôi chơi guitar Hawaii và ban nhạc Anh Em. Về phía các tác phẩm của cha tôi, khán giả sẽ được nghe lại “Gửi gió cho mây ngàn bay”, “Lá đổ muôn chiều”, “Thu quyến rũ”, “Gửi người em gái”, “Vĩnh biệt”, “Ánh trăng thu”, “Tà áo xanh”, “Tình nghệ sĩ”, “Lá thư”… Tiếc là bản nhạc mới nhất mà gia đình chúng tôi vừa tìm thấy vào tháng 6 vừa rồi là “Thuở trâm cài” thì chưa có dịp được trình diễn trong chương trình này.
Xung quanh các tác phẩm của nhạc sĩ Đoàn Chuẩn bao giờ cũng có những giai thoại, những thông tin bí mật về các “bóng hồng” đầy ảo diệu khiến người hâm mộ tò mò. Là con trai của nhạc sĩ, ông có biết nhiều về những giai thoại này không?- Về những sáng tác của cha tôi, người đời thêu dệt nhiều chuyện lắm, có thể vì nó quá lãng mạn, có thể vì họ quá yêu nên muốn tưởng tượng thế để cho đẹp lòng mình. Chẳng hạn tôi biết có một bài viết của một người bạn cụ kể rằng, cha tôi từng viết bản nhạc “Cánh hoa duyên kiếp” để gửi tặng nữ ca sĩ Mộc Lan. Ông vốn là một công tử hào hoa nên sáng sáng từ Hà Nội, ông đều đặt một bó hoa lan trắng để gửi tặng cho nàng dưới tên một người vô danh. 6 tháng liên tục như thế, nữ ca sĩ đã bảo nếu người tặng hoa không xuất hiện thì nàng không nhận nữa, thế là câu chuyện mới bị… lộ. Nói chung ở các bản nhạc cha tôi sáng tác, ông thường có một lời đề từ rất gợi. Ví dụ như ở bản “Chiếc lá cuối cùng”, ông viết: “Em còn nhớ không? Chiều chia tay cuối cùng lúc tàn thu trên quãng đường Trần Hưng Đạo tỏa hương hoa sữa thơm lừng và lòng chúng ta thì cay đắng vô cùng”…
Nói vậy, hẳn nhạc sĩ là một người vô cùng lãng mạn và đa tình, hình như mỗi bản nhạc đều có một người tình để ông gửi gắm?
Đêm nhạc “Thu về trên phố” chỉ trình diễn một đêm duy nhất vào lúc 20 giờ ngày 14.9 tại Cung Văn hóa Hữu nghị Hà Nội với 3 giọng hát Ánh Tuyết, Hồng Nhung, Mỹ Linh. Các bản nhạc nổi tiếng của Đoàn Chuẩn- Từ Linh, Trịnh Công Sơn sẽ được làm mới qua bàn tay phối khí của các nhạc sĩ Anh Quân, Huy Tuấn, Hồng Kiên…
|
- Tôi nghĩ đó cũng là chuyện thường tình của nghệ sĩ, họ có thể yêu rất nhiều, yêu rất đắm say để tìm cảm hứng sáng tác, nhưng tôi biết với cha tôi, đó chỉ là những mối tình trong âm nhạc, còn đời thường, ông là một người chồng, người cha vô cùng nghiêm túc và trách nhiệm với gia đình. Suốt trong cuộc hôn nhân gần 60 năm với cha tôi, mẹ tôi biết cha tôi viết nhạc tặng những người tình trong âm nhạc của ông nhưng không hề phiền trách vì bà biết ông vẫn luôn gắn bó với gia đình. Bài “Đường về Việt Bắc” ông viết tặng mẹ tôi, vì trên đường về chiến khu, ông nhớ màu áo lụa tím mẹ tôi mặc “Chiều nào áo tím bay nhiều quá lòng thấy rộn ràng nhớ người… Qua bao rừng núi anh về đây, nhớ nhau từng phút yêu từng giây”… Đó là những lời nhạc nồng ấm tình yêu mà ông dành cho mẹ tôi.
Trong chương trình này, ông có điều đặc biệt nào dành tặng cho khán giả?- Tôi sẽ trình tấu bản “Chuyển bến” và đệm cho ca sĩ Ánh Tuyết hát bản “Vĩnh biệt”. Ánh Tuyết là người hát hay nhất bản “Vĩnh biệt” (còn có tên khác là “Vàng phai mấy lá”). Năm cha tôi bị tai biến liệt giường, ca sĩ Ánh Tuyết đã đến hát cho cha tôi nghe, và ông đã khóc. Điểm đặc biệt là trong “Thu về trên phố”, tôi sẽ sử dụng chính cây đàn guitar Hawaii mà cha tôi để lại để chơi nhạc. Cây đàn đó đến nay đã 70 năm tuổi, thuộc dạng cổ nhưng tiếng hay vô cùng, gỗ đã khô ráo nhưng không cong vênh, một âm phát ra nó ngấm hết vào từng thớ gỗ, rồi cộng hưởng trong đó, ngân nga mãi không thôi. Còn những cây đàn dở là cây đàn không có tiếng ngân, âm đàn ngắn, không có vọng. Tôi sẽ mang cây đàn đó ra chơi cho khán giả nghe, hy vọng sẽ được cha tôi phù hộ để làm cho bản nhạc càng thêm quyến rũ.
Xin cảm ơn ông!