Hàng ngày có hàng trăm chuyến hàng cứu trợ từ miền Bắc vào, miền Nam ra các tỉnh miền Trung. Tại các tỉnh, ngoài kênh tiếp nhận hàng cứu trợ của Mặt trận Tổ quốc, Hội Chữ thập đỏ ra còn các cơ quan, ban ngành, tổ chức quần chúng phụ nữ, Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên cũng nhận hàng cứu trợ của hệ thống tổ chức ngành dọc từ trung ương đến địa phương cả nước. Có thể nói rằng, tấm lòng tương thân tương ái của người dân Việt Nam thật đáng tự hào.
Một cụ già trên 80 tuổi của Hội Tích thiện liên phường Hà Nội thức thâu đêm để gấp từng bộ quần áo còn mới tinh, cẩn thận đóng thành gói gửi miền Trung. Một chị bán hàng nước, chồng rửa xe ở Mỹ Đình, Hà Nội cùng 4 gia đình khác góp hơn 70 triệu đồng đến tận các xã ở Hà Tĩnh cứu trợ bằng gạo, tiền, quần áo cho bà con...
Bằng tất cả tấm lòng, họ trân trọng trao những món quà đến tận tay người dân. Các chị từ Hội Phụ nữ TP.Hồ Chí Mình đến xã An Thuỷ huyện Lệ Thuỷ, Quảng Bình trao 100 suất quà trị giá mỗi suất 100.000 đồng được tổ chức long trọng, có văn nghệ, lời động viên nhau vượt qua khó khăn...
Vất vả, khó khăn đi vận động người ủng hộ, tốn kém tiền vận chuyển hàng, đoàn người đi cứu trợ nào cũng mong được trao quà đến tận tay người dân. Thế nhưng không đơn giản thế. Có nhiều đoàn cứu trợ chỉ đưa hàng được đến xã rồi ngậm ngùi ra về.
Gạo, mì tôm, quần áo được tiếp nhận ở các đoàn rồi được yêu cầu để lại ở trụ sở xã để “cân đối” cứu trợ cho dân. Có xã còn tình trạng, khi xe chở hàng cứu trợ vừa đến, dân ào đến cướp hàng hoặc có danh sách cứu trợ hẳn hoi, dân vẫn chen lấn xô đẩy.
Ở một số địa phương có gia đình nhận được hàng chục chai nước mắm, hàng trăm gói mì tôm nhưng có nơi, sau 2- 3 tuần lũ lụt, dân mới nhận được vài gói mì tôm vì còn đợi xã “điều tiết”. Thật xót xa, bàng hoàng khi ở Nghệ An, quần áo cứu trợ thành giẻ lau tại gara ô tô...
“Một miếng khi đói bằng một gói khi no”, người dân miền Trung vô cùng cảm kích trước tấm lòng của các nhà hảo tâm. Vậy, tại sao vẫn còn những cảnh trớ trêu như đã nêu trên.
Trước hết phải nói đến công tác tổ chức cứu trợ của chính quyền, các đoàn thể ở nhiều nơi chưa chặt chẽ. Một bộ phận cán bộ, công chức địa phương còn vô cảm trước dân. Việc tiếp nhận và chuyển hàng đến tận tay dân chưa kịp thời trước đây đã gây mất niềm tin của các nhà hảo tâm.
Một số tổ chức tiếp nhận hàng cứu trợ, nhất là quần áo đã không lựa chọn kỹ rồi đóng thành từng suất cẩn thận, mà bỏ thành từng bao tải, trông rất phản cảm. Chúng ta nên xem lại phương thức cứu trợ đã hợp lý, đúng tinh thần “ lá lành đùm lá rách”?
Người Việt Nam rất coi trọng câu “Của cho không bằng cách cho”!
Lê Minh