Anh Minh (Hoàng Mai, Hà Nội) nhiều lần mất mặt với bạn bè vì con trai 4 tuổi của anh hay giở trò bắt chước những hành động của Mr Bean. Cậu bé nghiện phim Mr Bean. Ban đầu, anh cho cháu xem giải trí. Nhưng càng ngày thấy cháu càng có biểu hiện bắt chước hành động của Mr Bean.
Sự việc khiến anh nhớ nhất là lần hai bố con ra ga về quê. Trong lúc đang chen chân để mua vé tàu cùng bố, cháu bé đã bóp mông của một cô gái đứng đằng trước mình. Cô gái quay lại và... cho anh Minh một cái tát trời giáng, mà không hay biết thủ phạm làm chuyện đó lại chỉ là một cậu bé 4 tuổi..
Không chỉ vậy, cháu bé còn bắt chước mặc quần lót ra ngoài quần dài, đồ đạc vứt lung tung, cho cả bát đĩa vào máy giặt…. Gần một năm nay, anh đã phải lên kế hoạch không cho con xem Mr Bean và những phim hành động mà con dễ học.
Nhảy từ trên mái nhà xuống vì mê siêu nhân
Nhà neo người nên mỗi khi con đi học về, chị Vũ Thị Hà (Thái Bình) lại mở đĩa siêu nhân, người nhện cho con xem để chị có thời gian làm việc gia đình. Vì thế, cậu con trai tuy mới 3 tuổi nhưng đã rất nghiện phim hành động.
Một lần, theo mẹ và bà lên trần nhà để chạy thóc trời mưa, trong lúc mẹ bận cào thóc, cậu bé thốt một câu: “mẹ ơi, con thích làm người nhện”. Không để ý kỹ câu nói của con, chị Hà chỉ ậm ừ cho qua chuyện. Người bà cũng loáy hoáy quét thóc vì sợ mưa ướt. Quay đi quay lại, cháu bé nhảy từ trên mái nhà xuống dưới đường. Khi mọi người hô hoán, chị Hà hoảng quá nên... cũng nhảy theo con.
Cháu bé may mắn chỉ bị thương vì trên đường có nhiều rơm rạ. Đưa lên bệnh viện tỉnh, các bác sĩ cho biết cháu bị gãy chân và xương sườn. Còn chị Hà lại bị thương nặng hơn. Chị bị đa chấn thương thần kinh và máu tụ não.
Bà nội của cháu kể lại: “May mắn thay, hôm đó nhà vừa tuốt lúa nên tôi mang hết rơm rạ để ngoài đường, nếu không có đống rơm đó thì không biết cháu tôi giờ thế nào”. Vừa nói bà vừa lau nước mắt. "Bố cháu bé vì tức giận đã ném cả đầu đĩa ra ngoài sân".
Chị Nguyên (nhà ở phố Vũ Ngọc Phan, Đống Đa, Hà Nội) luôn trong tình trạng lo lắng vì con học đòi làm siêu nhân. Cu Bim chị sinh năm 2006 nhưng cháu nghiền phim hơn là đi học. Để con ngoan ngoãn đến trường chị phải nhét thêm vài đĩa phim siêu nhân vào trong đó.
Khi ở nhà, lúc có khách đến, cu Bim luôn chạy ra ưỡn ngực và hai tay đập mạnh vào ngực ra vẻ ta là siêu nhân. Có lần cháu bị gãy chân vì nhảy từ trên bậc 4,5 của cầu thang xuống sàn nhà. Khi bố mẹ hỏi sao lại nhảy thì cháu chỉ ú ớ nói “con là siêu nhân Gao, Gao thì làm sao lại gãy chân được”. Vì thế mà đồ đạc trong nhà đều được cháu “siêu nhân hóa”.
Tại Bệnh viện Nhi TƯ, tiếp xúc với Thạc sĩ Quách Thúy Minh (Khoa Tâm bệnh), chúng tôi được biết, bệnh viện thường xuyên tiếp nhận những trường hợp trẻ em bị chấn thương thể nhân vật qua phim ảnh.
Tuy nhiên, "nếu đã bị chấn thương, bị đau, trẻ còn biết sợ, đằng này, có nhiều trường hợp, trẻ không bị chấn thương nhưng cứ suốt ngày chìm trong thế giới ảo của phim ảnh, siêu nhân, thích được sống cuộc sống của búp bê... và trẻ không phân biệt được đâu là giả vờ, đâu là thật!" - Thạc sĩ Minh tỏ ra lo ngại.
Ở trẻ dưới 5 tuổi, chỉ nên cho trẻ xem những bộ phim hoạt hình trong sáng, có ý nghĩa tích cực, không nên cho trẻ xem phim hoạt hình có nhiều bạo lực hoặc những hành động ngớ ngẩn có thể khiến trẻ làm theo.
Khi trẻ xem phim, phụ huynh cũng nên hạn chế thời gian xem phim, nếu trẻ đã đi học thì chỉ nên cho trẻ xem phim hoạt hình vào cuối tuần và không nên cho trẻ xem phim liên tục quá 30 phút. Nếu có điều kiện, người lớn nên xem phim cùng với trẻ để giải đáp những thắc mắc của chúng. Phụ huynh cần chú ý nhất trong việc chọn nội dung phim cho con xem.