AP dẫn lời chuyên gia của WMO khẳng định, sự cố hạt nhân tại Nhật Bản hoàn toàn khác thảm họa hạt nhân ở Nhà máy Chernobyl (Ukraina) năm 1986. Sự phát tán phóng xạ được hạn chế tại tầng rất thấp của khí quyển. Các đợt gió từ phía bắc tiếp tục đẩy lượng phóng xạ bị phát tán ra ngoài đại dương. Tuy nhiên, diễn biến tình hình còn phụ thuộc vào sự biến đổi thời tiết trong những ngày tới.
Người dân Tokyo lo lắng thiếu nước khi nước sinh hoạt bị nhiễm xạ. |
Ngày 23.3, các cơ quan của LHQ gồm Tổ chức Lương Nông LHQ (FAO), Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã ra tuyên bố chung khẳng định không có bằng chứng cho thấy thực phẩm nhiễm phóng xạ ở các quốc gia ngoài Nhật Bản.
Trước đó, nhà chức trách Nhật Bản thông báo đã phát hiện một số sản phẩm rau và sữa nhiễm phóng xạ ở mức có thể gây nguy hiểm đối với sức khỏe con người.
Ngoài ra, nước sinh hoạt ở thủ đô Tokyo cũng được báo động đã nhiễm xạ ở mức không an toàn đối với trẻ em dưới 1 tuổi. Hiện hàng loạt cửa hàng, siêu thị ở Tokyo thông báo không còn nước đóng chai để bán.
Công ty Điện lực Tokyo (TEPCO) ngày 24.3 cho biết, hàm lượng phóng xạ đo được trong nước biển gần Nhà máy điện hạt nhân Fukushima số I đã cao gấp 147 lần mức cho phép.
Sáng 24.3, một trận động đất mạnh 4,9 độ richter đã xảy ra tại khu vực Kanto gần thủ đô Tokyo, song không có cảnh báo sóng thần. Cơ quan khí tượng Nhật Bản cho biết, khu vực xảy ra động đất nằm ở phía nam tỉnh Ibaraki.
Chu Vũ