Dân Việt

“Giám đốc” cầm cố xe... chuồn

25/03/2011 13:26 GMT+7
(Dân Việt) - Các trùm cầm cố xe ô tô đã biến mất sau khi cơ quan công an phát hiện khoảng 70 chiếc ô tô “cắm” ở xã Tiến Xuân (Thạch Thất, Hà Nội).

Sự việc không chỉ xảy ra ở Tiến Xuân, mà lan ra các xã bên với số lượng lên tới 200 chiếc ô tô.

Thuê xe tự lái để... cầm cố

Lần theo những hợp đồng vay tiền có tài sản thế chấp do người dân cung cấp, phóng viên đã tìm đến trụ sở công ty của Nguyễn Quang Tuyến, ở số nhà 37, ngõ 105, đường Hồ Tùng Mậu, Cầu Giấy, Hà Nội. Đó là một ngôi nhà 4 tầng, khóa cửa kín mít, bên ngoài đề chữ “Cho thuê làm văn phòng”.

img
Hợp đồng cầm cố của Nguyễn Quang Tuyến với người dân

“Tuyến đã trả nhà, tháo dỡ các biển hiệu, bỏ đi từ cuối năm 2010”- Chị Nguyễn Thị Bích, chủ căn nhà trên cho biết. Chị Bích cũng cho hay, Tuyến thuê nhà của chị từ đầu năm 2010, mỗi tháng 13 triệu đồng, để mở dịch vụ cho thuê ô tô tự lái. Công ty của Tuyến chỉ có lèo tèo vài người. Sau khi Tuyến bỏ đi, nhiều người (có cả công an) đã đến hỏi chị Bích về Tuyến.

Trao đổi với NTNN, thượng tá Nguyễn Văn Tính - Phó trưởng Phòng CSĐT tội phạm về trật tự xã hội, Công an Hà Nội cho biết, cơ quan điều tra xác định Nguyễn Quang Tuyến đã thuê hàng chục xe ô tô tự lái tại các công ty khác, rồi đem về xã Tiến Xuân, thông qua một số người môi giới, để lừa “cắm” cho dân, lấy đi hàng tỷ đồng. Cùng tham gia với Tuyến còn có Phùng Xuân Tuân (SN 1989, Phó Giám đốc Công ty cổ phần Vận tải công trình giao thông Hà Nội).

Ngoài ra, cơ quan điều tra cũng xác định một giám đốc khác là Nguyễn Năng Chiến (SN 1977, ở Dương Nội, Hà Đông), Giám đốc Công ty TNHH Hùng Trường, cũng đem hàng chục ô tô về Tiến Xuân cầm cố trong dân. Cơ quan điều tra đã triệu tập cả 3 đối tượng trên, nhưng họ đều đã bỏ trốn khỏi nơi cư trú.

Các môi giới nói gì?

Một trong những “người môi giới” cho người dân Tiến Xuân nhận cầm cố xe ô tô là thầy giáo Nguyễn Trọng Hoàn (SN 1976, giáo viên cấp 3 ở huyện Thạch Thất, Hà Nội).

Theo chỉ dẫn của người dân Tiến Xuân, phóng viên NTNN đã tiếp cận gia đình thầy giáo này. Nhà thầy giáo Hoàn mới xây xong, 3 tầng có kiến trúc hiện đại, nằm ở mặt đường trung tâm xã. Khi chúng tôi đến, căn nhà cửa đóng then cài, thầy giáo Hoàn không có nhà.

img
Ngôi nhà mới xây của thầy giáo Hoàn nằm giữa trung tâm xã

“Vợ anh ta cũng là một giáo viên. Nhà anh này trước đó nghèo, nhưng từ sau khi đi môi giới cho những người ở Hà Nội về cắm ô tô đã khá giả hẳn lên. Căn nhà 3 tầng khang trang mới xây xong gần đây, sau khi làm môi giới cắm xe ô tô”- ông Đinh Công Cảnh (ở gần nhà thầy giáo Hoàn) cho biết.

Theo thượng tá Nguyễn Văn Tính, cơ quan điều tra đã triệu tập thầy giáo Nguyễn Trọng Hoàn để làm rõ vai trò môi giới cầm cố ô tô. Bước đầu thầy Hoàn khai nhận, cuối năm 2010, đã giới thiệu cho 3 người khác nhận cầm cố 3 xe ô tô của Nguyễn Quang Tuyến. Bản thân thầy giáo Hoàn cũng nhận cầm cố 2 ô tô của Tuyến với số tiền 850 triệu đồng và được được trả lãi suất 2.000 đồng/triệu/ngày.

Ngoài ra, cơ quan công an cũng đã triệu tập Nguyễn Khắc Lâm (SN 1965, ở xóm Gò Chòi 1, xã Tiến Xuân), Giám đốc Công ty TNHH Vận tải và du lịch thương mại Phương Lâm.

Lâm cho biết, tháng 9.2010, Lâm được Nguyễn Năng Chiến đưa cho 13 xe ô tô đem đi cầm cố trong dân, thu về gần 6 tỷ đồng. Số tiền này Lâm đã đưa hết cho Chiến. Chiến chia cho Lâm mỗi lần đặt được xe là 1 triệu đồng.

Một đối tượng môi giới khác cũng bị triệu tập là Nghiêm Xuân Bằng (SN 1982, ở xóm Chùa 1, xã Tiến Xuân). Bằng đã nhận đặt hộ 3 xe ô tô cho Phùng Xuân Tuân - Phó Giám đốc của Tuyến. Bằng đã đem cầm cố 3 xe ô tô tại 5 hộ dân ở Tiến Xuân, lấy 1,5 tỷ đồng đưa cho Tuân.

Khoảng 200 ô tô bị đem đi cầm cố

Theo thống kê của Công an Hà Nội, riêng tại xã Tiến Xuân, đã phát hiện khoảng 70 ô tô đang được cầm cố tại 45 hộ dân. Cơ quan điều tra đã thu giữ 17 chiếc ôtô là tang vật trong các vụ án lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Số xe ô tô trên đều được các đối tượng đi thuê ô tô tự lái ở các doanh nghiệp khác rồi đem về cầm cố.

“Qua công tác trinh sát, cơ quan điều tra còn phát hiện tại xã Yên Bình, huyện Thạch Thất và xã Đông Xuân, huyện Quốc Oai cũng xảy ra tình trạng dân nhận cầm cố nhiều ô tô. Con số ước tính tại 3 xã trên, có thể lên tới khoảng 200 ô tô, không loại trừ phần lớn là xe gian” - thượng tá Nguyễn Văn Tính xác nhận.

Theo một cán bộ điều tra, hiện số đối tượng lừa cắm ô tô đã dọa dẫm không cho người dân trình báo cơ quan công an, nếu không sẽ mất tiền. Mặt khác, để tránh sự phát hiện của cơ quan điều tra, chúng lại tìm cách đến các công ty khác thuê xe tự lái rồi đem về xã đổi xe đã cắm cho người dân, đem trả các công ty đã thuê xe trước đó.

“Cơ quan điều tra đề nghị người dân hợp tác, trình báo cơ quan công an các trường hợp có dấu hiệu lừa đảo cắm đặt ô tô, kiên quyết không cho các đối tượng lừa đổi xe.”- vị cán bộ điều tra khuyến cáo.

Theo luật sư Nguyễn Hồng Bách (Công ty Luật hợp danh Hồng Bách và cộng sự), việc người dân Tiến Xuân nhận cầm cố xe ô tô có hợp đồng với các doanh nghiệp thì không thể coi là tiếp tay tiêu thụ xe gian. Tuy nhiên, khi cơ quan điều tra xác định đó là xe tang vật của vụ án và có quyết định thu hồi thì người dân phải nghiêm chỉnh chấp hành. Nếu chống đối là vi phạm pháp luật. Lúc đó, quyền lợi của người dân trong chiếc xe ô tô sẽ được giải quyết ở tòa án. Mặt khác, nếu người dân nhận cầm cố mà không có giấy phép của cấp quận, huyện là vi phạm. Tuy nhiên, vi phạm này chỉ có thể xử lý hành chính.