Dân Việt

Hợp tác xã khó vay vốn

25/03/2011 07:00 GMT+7
(Dân Việt) - Nhiều doanh nghiệp, hộ sản xuất kinh doanh sẵn sàng "chịu" lãi suất cao, nhưng vẫn không thể vay đủ vốn để sản xuất nên đành tính tới việc rút gọn sản xuất kinh doanh.

Sản xuất điêu đứng

Sau những ngày rét đậm, rét hại, anh Hoàng Văn Toán ở thôn Ba Mô, xã Ngọc Lý, huyện Tân Yên (Bắc Giang) đã bị thiệt hại hơn 30 triệu đồng vì cá chết. "Gia đình tôi muốn mua cá giống, đồng thời mở rộng sản xuất, trong đó có việc đầu tư vốn nuôi lợn. Tuy nhiên, để có vốn mua giống và thức ăn chăn nuôi cho vụ sản xuất mới hiện vẫn chưa tìm được nguồn vốn vay nào".

img
Trang trại gà của anh Nguyễn Thế Thiệu - thôn Đồng Bông, xã Ngọc Vân (Tân Yên, Bắc Giang) đang rất cần vốn để mở rộng sản xuất.

Cùng chung hoàn cảnh "khát vốn" cho sản xuất, bà Phan Thị Hạnh ở bản Rừng Dài xã Tam Tiến (Yên Thế, Bắc Giang) than thở: "Tôi đang rất cần vốn để "gột" hơn 7.000 gà và cung cấp cám cho bà con trong vùng. Năm nay giá thức ăn chăn nuôi tăng nhiều nên càng thiếu vốn hơn. Hiện tại, nhiều hộ gia đình nuôi gà, dù muốn mở rộng đầu tư, nhưng thiếu vốn đã phải "co cụm" sản xuất".

img Trong thời điểm khó khăn về nguồn vốn như hiện nay, HTX phải tính đến nhiều phương án khác như tiếp cận vốn ở nhiều tổ chức tín dụng khác nhau để ổn định sản xuất kinh doanh. img

Còn ông Trần Văn Chiến - Chủ nhiệm HTX Chăn nuôi và dịch vụ Cổ Đông - xã Cổ Đông (Sơn Tây, Hà Nội) cũng than phiền: "Hiện 150 hội viên đang rất "khát vốn".

Hợp tác xã thường xuyên đầu tư trên 100 nghìn con lợn, 70 nghìn con gà… và nhiều sản phẩm nông nghiệp khác để cung cấp cho thị trường Hà Nội. Để làm được điều đó, chúng tôi cần khoảng 40 tỷ đồng.

Chúng tôi sẵn sàng chịu lãi suất cao, nếu được vay. Tuy nhiên, khi tới hỏi ngân hàng đều được trả lời: Đã hết đợt giải ngân. Thực tế, nếu có cho vay hầu hết các hội viên của HTX đều không đủ điều kiện, vì chưa trả hết nợ cũ, hết tài sản thế chấp…".

Anh Giáp Văn Nhân - HTX Nông nghiệp và phát triển Nông thôn Huyền Trang ở xã Ngọc Lý huyện Tân Yên (Bắc Giang) phản ánh hiện rất khó khăn trong việc tiếp cận vốn. "HTX có hơn 30ha đất sản xuất. Nếu đầu tư bài bản, nhu cầu vốn cần khoảng 20 tỷ đồng. Trước mắt năm 2011, chúng tôi cần có khoảng 5 đến 7 tỷ đồng, nhưng vào thời điểm này tiếp cận vốn rất khó, ngân hàng đều nói chưa có kế hoạch giải ngân".

Giải ngân khiêm tốn

Theo ông Giáp Văn Nhân, hiện HTX không chỉ sản xuất, mà còn đầu tư kinh doanh như cung cấp giống, thức ăn chăn nuôi cho các thành viên và người dân trên địa bàn. Việc cấp giống và thức ăn chỉ thu lại vốn sau khi người dân bán gà, lợn… với vòng quay từ 3 đến 6 tháng nên nhu cầu vốn để sản xuất kinh doanh đối với HTX luôn là vấn đề rất quan trọng. Tuy nhiên, từ trước tới nay HTX của ông Nhân ngoài vay vốn từ Ngân hàng NNPTNT, thì chưa tiếp cận được vốn ở các tổ chức tín dụng khác.

Theo một cán bộ tín dụng xã Ngọc Lý, huyện Tân Yên (Bắc Giang) hiện tổng số dư nợ trên địa bàn xã là 15,8 tỷ đồng, trong đó riêng Ngân hàng Chính sách xã hội là 7,3 tỷ đồng. Cho vay theo Nghị định 41 trên địa bàn xã thực tế chỉ có Ngân hàng NNPTNT triển khai và thực hiện được gần 400 triệu đồng và chủ yếu vẫn là vay có thế chấp, chưa có trường hợp nào vay được vốn theo hình thức tín chấp.

Theo số liệu của Ngân hàng NNPTNT Bắc Giang, tính đến nay, dư nợ cho vay theo Nghị định 41 trên địa bàn tỉnh vẫn còn khiêm tốn, trong đó cá nhân hơn 913,5 tỷ đồng; hộ gia đình 2.328,2 tỷ đồng; chủ trang trại 25 tỷ đồng và doanh nghiệp 327,5 tỷ đồng.

Không thể phủ nhận Nghị định 41 là "cú hích" để đẩy mạnh phát triển nông nghiệp, nông thôn. Nhưng trên thực tế, việc triển khai ở các địa phương hiện vẫn còn nhiều vướng mắc cần được tháo gỡ.