Dân Việt

Chọn HLV tuyển Việt Nam: Hải “lơ” bị... lờ

25/03/2011 06:26 GMT+7
(Dân Việt) - Lãnh đạo VFF từ chỗ ưu tiên "hàng ngoại" cho vị trí HLV tuyển Việt Nam đã dần chuyển hướng chuộng thầy nội. Nhưng trong mọi thời điểm, HLV Lê Thụy Hải - một HLV có thành tích tốt, vẫn bị lãng quên?

"Tôi là số 1"

Đó là câu phát biểu đã trở thành thương hiệu của HLV Lê Thụy Hải. Người ta ghét ông nhất bởi cái chất "ngông" ấy, nhưng họ cũng nể ông nhất bởi cá tính đó. Trong thời buổi nhá nhem khi bóng đá Việt Nam quá độ lên chuyên, người người nhà nhà đều lo giữ mình, thì những phát biểu gây "sốc" ấy có phần đáng trọng.

img
HLV Lê Thụy Hải bị lơ do luôn có những phát biểu gây "sốc"

Thử hỏi, những người ở vào độ tuổi 65, tiền tài có còn mang nhiều ý nghĩa? Riêng ông Hải vẫn thích trổ tài và tỏ vẻ… thèm tiền. Đến đâu làm việc ông cũng đòi lương cao, bởi ông cho rằng tiền là thước đo năng lực: “Làm gì có chuyện các HLV ngoại làm việc ở V.League hưởng lương trên dưới 10.000USD mà ông Hải không đáng nhận được 1/2 số đó”.

Nhìn vào bảng thành tích, HLV Lê Thụy Hải đã giúp Bình Dương vô địch V.League 2007, 2008, trong khi nhiều ông thầy cả nội và ngoại đến và đi khỏi đất Thủ vẫn đang cố gắng tìm kiếm, chứ đừng nói chuyện xô đổ "bảng vàng" đó.

Trong chừng mực nhất định, những phát biểu của ông Hải có ý nghĩa kích thích chất "fighting" (chiến đấu) trong mỗi cá nhân, không chỉ đối với cầu thủ, mà còn cả giới HLV, lãnh đạo bóng đá Việt Nam.

Bằng A hay bằng… lòng?

Thực tế, không phải ngẫu nhiên khi nhiều HLV nội như: Mai Đức Chung, Lê Huỳnh Đức, Phan Thanh Hùng… đều có ý từ chối bằng cách này hay cách khác khi được đề cập đến việc thế chỗ HLV Calisto, còn HLV Lê Thụy Hải không ngần ngại: "Nếu nhận được một lời mời, tôi sẵn sàng dẫn dắt ĐTQG".

Ông Nguyễn Trọng Hỷ - Chủ tịch VFF đã xác nhận việc "mở cửa" đối với HLV nội. Thậm chí, VFF sẵn sàng trả lương cho HLV nội với mức "kỷ lục" là 10.000 USD/tháng trong bản hợp đồng 2 năm.

Trong khi đó, ông Phạm Ngọc Viễn - Phó Chủ tịch phụ trách chuyên môn cũng khẳng định: "Không có chuyện HLV ĐTQG buộc phải có bằng A. Điều đó là do AFC khuyến cáo, và hầu hết các nước trên thế giới đều đi theo xu hướng đó".

Ông Hải tự tin vào khả năng của mình đã đành, khi ông và người bạn Mai Đức Chung từng dẫn dắt đội Olympic VN vô địch Merdeka Cup 2008 sau 42 năm chờ đợi. Nhưng quan trọng hơn, một người như ông, đang rất cần một dấu ấn đẹp, đóng góp cho bóng đá VN trước khi kết thúc sự nghiệp cầm quân. Ông Hải "lơ" có tài, có khát khao đã rõ. Vậy tại sao trong danh sách đề cử HLV nội vắng tên ông?

Đặt vấn đề này với một thành viên Hội đồng HLV quốc gia thì được biết là do đã có sự "khoanh vùng" chỉ có những HLV có bằng A do AFC, FIFA cấp (mà ông Hải không đạt yêu cầu đó) mới được xét.

"Tôi thấy rất vô lý. Tại sao chúng ta phải làm theo theo tiêu chí đó như một cái máy. Nhìn lại xem, HLV của CHDCND Triều Tiên có bằng cấp gì mà đưa đội nhà vào được vòng chung kết World Cup 2010. Vấn đề là dường như không ai dám nhìn nhận sự thật, cùng mổ xẻ, đưa ra cách nhìn thống nhất, thay vì mỗi người một ý nên rất khó" - một thành viên Hội đồng HLV quốc gia (xin giấu tên) bày tỏ.

Nếu vì một lý do nào đó ngoài chuyên môn để VFF đưa ra những quyết định về việc chọn HLV cho đội U23, ĐTQG thì thật đáng buồn!

Thầy nội khó làm hơn ngoại

 

img Không phải vì tôi là HLV nước ngoài nên ủng hộ VFF thuê thầy ngoại mà bóng đá VN lúc này vẫn cần có một HLV ngoại kinh nghiệm. Với những gì tôi đã từng trải ở VN, một HLV nội luôn luôn chịu nhiều ảnh hưởng bởi những người xung quanh nên không thể làm được cái mình muốn. So với HLV ngoại, quyền hạn của HLV nội cũng sẽ kém hơn. Đây là rào cản có thể khiến các HLV VN khó làm tốt nhiệm vụ của mình. img