Dân Việt

Nữ sinh bé nhỏ làm "ngân hàng máu sống"

25/03/2011 13:21 GMT+7
(Dân Việt) - Một cô gái chưa đầy 45kg, nhưng lúc nào cũng sẵn sàng làm “ngân hàng máu sống” hiến dòng máu hiếm (Rh-) cho bệnh nhân, một chàng trai trẻ chưa đầy 20 tuổi đã có 20 lần hiến máu. Sự xả thân ấy là vô giá.

Những dòng máu quý hiếm

Phó Chủ nhiệm CLB máu hiếm Hà Nội - rất bất ngờ với chúng tôi, lại là một cô sinh viên nhỏ nhắn của khoa Kế toán, ĐH Dân lập Thăng Long - Đỗ Thị Thuỳ Dung, 22 tuổi, em đã có tới 12 lần hiến máu.

img
Cô gái nhỏ nhắn này luôn sẵn sàng làm “ngân hàng máu sống” cứu người.

Lần hiến máu Dung nhớ nhất là lần em và 3 bạn trong CLB máu hiếm trực tiếp hiến 4 đơn vị máu cứu sản phụ Lê Ngọc Lan (ở 25 Bát Đàn, Hà Nội) khi chị Lan bị tai biến sau sinh tới mức “thập tử nhất sinh”. “Khi chị khoẻ lại, chị đã trở thành thành viên CLB của chúng em và sau đó đã hiến máu hai2 lần” - Dung nói.

Là người hiến máu thường xuyên nên Dung hiểu, phụ nữ nhóm máu Rh- sau khi sinh con đầu lòng 72 giờ phải tiêm ngay thuốc kháng thể antiRh(D) immunoglobulin để phòng cho lần sinh bé thứ hai được an toàn, không bị tai biến, dị dạng. Việc mua thuốc antiRh(D) ở Việt Nam rất khó, hầu hết những sản phụ có nhóm máu Rh- muốn sinh con thứ hai phải mua thuốc ở nước ngoài. Nếu có tai biến sau sinh thì khả năng tử vong cao “nên sự chia sẻ là vô cùng cần thiết”- Dung cười nói.

img Vì không biết ai là người nhận máu nên chúng em không bao giờ nhận lời cảm ơn, quà tặng nào cả, chúng em hiến máu từ sự chân thành của trái tim. img

Theo thạc sĩ Trần Ngọc Quế - Trưởng khoa Thu gom máu (Viện Huyết học và Truyền máu T.Ư) thì cứ 10.000 người mới có 4 người có nhóm máu Rh-. Viện đã xét nghiệm 49.567 lượt người cho máu mới “lọc” ra được 36 người có nhóm máu hiếm, trong đó có Dung.

Những người có nhóm máu hiếm Rh- chỉ có thể truyền máu cho nhau. Nếu truyền nhầm nhóm máu (Rh+ sang Rh- ) thì sẽ xảy ra hiện tượng tan máu (phản ứng loại trừ nhau) gây sốc, suy thận, trụy tim mạch và tử vong.

Vì vậy, Viện Huyết học đã chủ trương thành lập CLB những người có nhóm máu hiếm ở 2 đầu Nam- Bắc. Những thành viên của CLB được cung cấp thông tin về nhóm máu Rh- và tình hình hiến máu Rh- trên thế giới và ở Việt Nam, đồng thời cùng nhau chia sẻ những kinh nghiệm và giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống.

Ở nhiều nước tiên tiến trên thế giới, nếu có người hiến máu hiếm thì sẽ để đông lạnh ở nhiệt độ sâu, có thể trữ được 10 năm. Nhưng Việt Nam chưa thể thực hiện được kỹ thuật ấy bởi máy móc rất đắt và quy trình phức tạp. Vì vậy, nếu không có ngân hàng máu sống, khả năng tử vong của những người có nhóm máu Rh- là rất cao.

Vì vậy, Dung luôn sẵn sàng đi hiến máu trực tiếp khi được gọi. Dù hiến trực tiếp khi Viện Huyết học gọi nhưng Dung và các thành viên trong CLB không hề hỏi ai đã nhận máu của mình. Hiện CLB những người có nhóm máu hiếm Rh- khu vực phía Bắc đã xây dựng hẳn 1 website để chia sẻ thông tin do Dung làm quản trị mạng. CLB có hẹn nhau 2 tháng họp 1 lần để “sẵn sàng sẻ chia, sẵn sàng kết nối”- Dung nói.

Kết nối tình yêu đẹp

Cùng trường với Dung là Nguyễn Tùng Lâm - chàng trai nông dân chất phác quê Thái Nguyên. Mới 22 tuổi, Lâm đã hiến máu trên dưới 20 lần.

Hai năm gần đây, Lâm thường xuyên hiến máu ở Viện 103, và hiến cho 1 địa chỉ là “chị H, nhà ở Cầu Giấy, bị bệnh huyết tán”- Lâm chỉ biết có vậy. Nhưng hoàn cảnh của chị H, Lâm lại biết khá rõ: “Chị H phát hiện bị bệnh về máu cách đây 1-2 năm, hầu như tuần nào cũng phải tiếp máu.

Biết rõ bệnh tật, chị nói lời chia tay với người yêu, để anh thanh thản tìm tình yêu mới với một cô gái khoẻ mạnh có thể sinh cho anh những đứa con khoẻ mạnh, nhưng anh không chịu. Họ vừa cưới nhau rồi... Bọn em rất phục anh chồng, quả là một tình yêu đẹp”.

Lâm biết chị H rất tình cờ. Cậu theo bạn bè trong trường đi hiến máu tình nguyện. Khi biết mình nhóm máu B+ (nhóm máu không phổ biến bằng nhóm máu O), Lâm cùng các anh chị trong Ban chấp hành Đoàn trường, CLB hiến máu tình nguyện của trường tập hợp các bạn có cùng nhóm máu để sẵn sàng hiến máu bất cứ lúc nào. Trong lần hiến máu tình nguyện ở Viện 103, Lâm mới biết chị H. Bây giờ, bất cứ lúc nào chị H cần máu, mà kho máu của Viện 103 thiếu là Lâm tới hiến trực tiếp. Đợt vừa rồi kho máu của Viện 103 hết, không có người hiến nữa, Lâm lại tiếp tục hiến cho chị H, dù mới cách đây 2 tháng, Lâm đã hiến tại Viện Huyết học.

Đôi vợ chồng son đã nhiều lần mời Lâm tới nhà chơi, nhưng chàng sinh viên khoa Toán Tin – ĐH Dân lập Thăng Long này cứ viện cớ bận để từ chối bởi “em hiến máu là vì thấy cần thiết, vì trách nhiệm với cộng đồng chứ không vì ơn huệ gì. Tới đó chỉ sợ anh chị ấy ngại”, Lâm bày tỏ. Tuy không tới chơi, nhưng Lâm biết máu của mình đang góp phần nuôi dưỡng một tình yêu đẹp, giữ hạnh phúc cho 2 con người mà em không hề quen biết.

4-5 năm qua, năm nào Lâm cũng hiến máu 4-5 lần. “Bố mẹ không lo sao?”, tôi hỏi. Lâm cười: “Chị nhìn em đây, càng hiến máu càng béo (quả thực Lâm khá nặng cân), bố mẹ cũng lo, nhưng nhìn em khỏe mạnh nên không nói gì”. Nhưng khi em đi về là lại lo bồi dưỡng tới phát ngán”.