Dân Việt

Nói siết làm mở

25/03/2011 11:07 GMT+7
(Dân Việt) - Lạm phát như đang nước sôi lửa bỏng. Nông dân, công nhân đang gồng mình thắt lưng buộc bụng để tồn tại được qua thời bão giá. Thiểu phát cần tìm cách kích cầu để thị trường khỏi đóng băng. Nhưng lạm phát thì phải cắn răng nhịn ăn nhịn mặc chờ kinh tế hồi phục.

Ăn xài sang thời lạm phát là góp phần đẩy tiền vào lưu thông, vô tình quất con ngựa lạm phát thả nước đại.

Nghị quyết 11 của Chính phủ, toa thuốc về “những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội”, đầu vị vẫn là cắt giảm đầu tư công, giảm bội chi ngân sách nhà nước, kiềm chế nhập siêu, sử dụng tiết kiệm năng lượng.

Ví dụ như phải siết chặt không được nhập các loại xa xỉ phẩm, đồ sang như thuốc lá, xe hơi, xe máy, hàng tiêu dùng, rượu, chất giải khát có cồn và thực phẩm cao cấp. Tuân thủ chính sách vĩ mô, uống đúng thuốc, uống đủ liều nhất định sẽ kìm được lạm phát.

Vì kinh tế là quy luật khách quan, làm đúng bài bản là nhất định bệnh phải chuyển. Kinh tế không tiến triển theo lời nói mà chi phối bởi việc làm, những chính sách vĩ mô.

Có thể nói bài thuốc cơ bản nhất vẫn là tiết kiệm chi tiêu. Đầu tiên phải là nhà nước với khả năng chi tiền lớn nhất , đến các đại gia, cuối cùng là nhân dân lao động. Nếu ai cũng đồng lòng, coi tiết kiệm là quốc sách thì sao không kìm được cương con ngựa lạm phát?

Nhưng tiếc thay vẫn tồn tại bệnh nan y nói không đi đôi với làm! Dù đã có nghị quyết Chính phủ, dù dự trữ ngoại tệ cũng như nợ công đã chớm mức báo động đỏ nhưng trong 2 tháng đầu năm nay người ta vẫn bỏ ra 179 triệu USD nhập 10.600 chiếc ô tô các loại, đặc biệt trong đó có một công ty nhập 150 chiếc BWM X1, giá rẻ nhất là 54.000 USD/chiếc và 31 xe Rolls-Royces giá mỗi chiếc 400.000USD! Mỹ phẩm, nước hoa, thực phẩm cao cấp thì vô tội vạ, có hàng ngàn công ty và mỗi công ty nhập khẩu đến hàng ngàn mặt hàng với giá hàng triệu USD mỗi tháng.

Không chỉ trong việc nhập ô tô hay mỹ phẩm xa xỉ. Đầu tư công, chi tiêu công còn có nơi bị dàn trải, vì lợi ích của chủ đầu tư và người cấp phép nhiều hơn vì lợi ích của dân chúng. Đành rằng, không thể một lúc dận phanh ngừng một quá trình đã xảy ra từ lâu. Nhưng phải coi chống lạm phát là cứu hỏa cứu nạn, không thể chần chừ, không thể không chấp hành nghiêm chỉnh nghị quyết của Chính phủ. Và trong nhiều trường hợp, câu hỏi được đặt ra: Tại sao những xa xỉ phẩm được nhập ồ ạt trên vẫn được phép. Ai cấp tiền? Nếu là của “đại gia” thì ai cấp phép?

Người ta nói thắt lưng buộc bụng để qua thời khủng hoảng. Nhưng cái bụng của chính mình thì không ai chịu thắt. Miệng nói siết chặt, tay mở hầu bao xả láng. Chính sách vĩ mô dù đúng đắn đến đâu cũng sẽ thất bại trong đời sống nếu bộ máy thực hiện không hiệu lực, người cầm cân nẩy mực không gương mẫu.

Và những lọ nước hoa, những chiếc ô tô sang trọng cỡ xe ông hoàng Arập vẫn ngày dài lại đêm thâu len lén chui qua cổng hải quan thời lạm phát.