1. Tôi mở tài khoản tại ngân hàng chỉ vì… thích nói chuyện với cô nhân viên giao dịch.
Trong năm 2010, phố tôi sau khi được mở rộng thành con đường liên quận, và thêm mấy chung cư cao tầng có người tới ở, đã có tới gần mười ngân hàng quốc nội cấp tập tới khai trương phòng giao dịch. Nếu đứng ở cửa nhà tôi, đi hai trăm mét về bất cứ phía nào cũng gặp… ngân hàng.
Thế nhưng cả hai thẻ ATM trong ví tôi đều là của ngân hàng nước ngoài, và tôi chỉ sử dụng ATM khi sinh sống và làm việc tại nước ngoài. Khi về Việt Nam, tôi không sử dụng bất cứ một dịch vụ nào của ngân hàng quốc nội, dĩ nhiên, cũng chẳng có tài khoản hay sổ tiết kiệm nào.
Đôi khi chúng ta vẫn thế. Đi ra nước ngoài sống, chúng ta sinh hoạt và cư xử như mọi người dân bản địa, đèn đỏ dừng đúng, đi mua sắm sẽ xếp hàng, chạy xe ngoài đường không bao giờ bóp còi. Nhưng khi về Việt Nam, cứ như thể ta biến thành một người khác, ngã tư đèn đỏ có khi tranh thủ rẽ phải, không có ý định xếp hàng, và chạy xe ngoài đường ta vẫn hòa vào bản đồng ca bóp còi xe không thấy áy náy vì tiếng ồn.
Nên với tiền bạc ta cũng cư xử vậy thôi. Khi về nước, tôi giữ tiền mặt trong túi xách như một bà già mới lĩnh lương hưu, khư khư chỉ sợ ai lấy mất, không tin bất kỳ một quảng cáo nào của các dịch vụ ngân hàng.
Một hôm, tôi buộc phải ra ngân hàng để gửi tiền vào một tài khoản tại ngân hàng V. Tôi thường giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn và thương tâm được nêu trên báo chí, bằng cách gửi tiền tới tòa soạn. Tuy nhiên trường hợp này, tờ báo tại Sài Gòn, nên tôi phải chuyển khoản số tiền từ thiện của mình vào đấy.
Cô nhân viên giao dịch rất xinh, rất trẻ, nói chuyện vô cùng dễ chịu. Chúng tôi nói chuyện với nhau về khoản tiền gửi này, bởi cô cũng đọc được trường hợp thương tâm này trên báo.
Sau đó, chúng tôi nói chuyện về hiện tượng quá nhiều ngân hàng mở văn phòng giao dịch tại khu vực này. Sau đó, chúng tôi nói chuyện về cái chợ ở gần đây rất tiện mua bán, rồi nói về gia đình có quá đông trẻ con của tôi, mà thỉnh thoảng cô thấy tôi chở chúng đi ngang qua cửa kính ngân hàng cô.
Thật kỳ lạ là, trong suốt mười phút trò chuyện, cô không hề quảng cáo bất cứ dịch vụ nào của ngân hàng cô. Cô chỉ hỏi han quan tâm đến đời sống của tôi. Thấy tôi cầm một đống tiền mặt trong túi, cô nhắc tôi mang túi đi đường phải cẩn thận. Thế mà không hiểu sao, cuối cùng, sau khi làm xong việc cần làm, tôi đã quyết định mở tài khoản ATM chỗ cô, và gửi số tiền mặt trong túi tôi vào tài khoản ấy.
Bởi, không phải vì ngân hàng ấy ở ngay cạnh nhà, mà bởi tôi thích một nhân viên ngân hàng như một người bạn, có thể nói chuyện.
Mà với phụ nữ, có thể nói chuyện với cô nhân viên nghiệp vụ, tức là bắt đầu tạo được sự tin cậy lẫn nhau, quan tâm lẫn nhau. Mà những quyết định của phụ nữ trong cuộc sống đôi khi lại mang nặng cảm tính.
Có lẽ cũng vì vậy, nhiều nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, phụ nữ sẽ có hai cách ứng xử với ngân hàng. Một là khăng khăng chung thủy với cái ngân hàng mà mình đã chọn từ lâu. Hai là sẽ rải tiền khắp mọi ngân hàng với rất nhiều tài khoản, theo kiểu ăn chắc, không bỏ tất cả trứng vào cùng một giỏ.
Ngẫm ra, cả hai dạng khách hàng phụ nữ ấy cũng đều rất cảm tính.
2. Ngân hàng đơn thuần là một cái ví
Cô đồng nghiệp của tôi luôn rút tiền, tài khoản luôn ở mức trên năm mươi nghìn đồng một chút. Cô bạn ấy còn trẻ, cần tiền du lịch, mua sắm, chinh phục cuộc sống.
Nhưng cậu phóng viên – một nam giới duy nhất trong văn phòng tôi, thì ngược lại. Cậu đặt ra quy định với bản thân là mỗi tháng phải để dành ra 100 USD gửi ngân hàng tích lũy, bất kể “giá đô” lên xuống thế nào. Cậu mở tài khoản gửi tiết kiệm ngoại tệ, và cứ cuối tháng lại đi gửi tiền.
Có không ít lần chị em trong phòng đã cười nhạo chàng trai vì việc này. Mọi người đều nói, mỗi tháng 100 USD, vậy một năm cũng chỉ tiết kiệm có 1.200 USD mà thôi, cậu việc gì phải khổ sở như thế. Chỉ cần lĩnh một món tiền thưởng cuối năm là cậu còn dư hơn cả thế rồi.
Cậu đồng nghiệp nói, em tự đặt ra quy định cho bản thân em như thế. Và đã là quy tắc thì em cứ thế mà làm.
Quả thật, đã gần năm năm trôi qua. Những món tiền thưởng, những khoản tiền lương của các bà chị trong phòng đã… tiêu vào đâu không rõ. Người chưa lập gia đình cũng chẳng giàu hơn những chị đã con cái đùm đề.
Một ngày, chúng tôi ngồi tám chuyện buổi trưa, sau lưng chàng trai – giờ đã thành một lãnh đạo trẻ của cơ quan.
Những người phụ nữ căn cơ chúng tôi phát hiện ra rằng, chúng tôi đã không quản lý tốt tiền bạc như chúng tôi tưởng.
Rất nhiều đồng nghiệp nữ của tôi không có ý định sử dụng bất cứ dịch vụ nào tại ngân hàng, trừ việc đút cái thẻ ATM vào khe máy rút tiền. Họ không đếm xỉa tới lãi suất ngân hàng, họ chỉ coi ngân hàng là tên gọi của một cái ví tiền.
Một cái ví tiền ảo, công dụng chẳng khác ví tiền thật. Tức là chỉ có để tiền vào hoặc lấy tiền ra mà thôi. Và để vào là để lấy ra. Chúng tôi đã không nhìn nhận cách tích lũy của chàng đồng nghiệp là một cách tiết kiệm khôn ngoan, đối phó được với những ham muốn chi tiêu nhất thời.
Không rõ ai nói phụ nữ rất thực dụng và tham tiền, chi li, tính toán. Tôi thấy ngược lại, phụ nữ rất đại khái và mơ hồ về tiền bạc.