“Dân cường, nước thịnh”
Các VĐV Việt Nam đã gây được tiếng vang trên đấu trường khu vực. |
Với mục tiêu "dân cường, nước thịnh", trong những năm qua, ngành thể thao đã thực hiện Cuộc vận động Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại. Từ đó phong trào tập luyện thể thao trong quần chúng nhân dân đã ngày càng phát triển cả về bề rộng lẫn bề sâu, xứng đáng là nền tảng vững chắc cho thể thao đỉnh cao. Chiến lược phát triển TDTTVN đến năm 2020 cũng đã xác định các chỉ tiêu cụ thể để phát triển thể thao quần chúng. Đó thực sự là một thách thức mới đối với việc xây dựng chân đế vững chắc cho thể thao đỉnh cao.
Với thể thao đỉnh cao, 65 năm qua đã ghi nhận nhiều gương mặt xuất sắc của TTVN qua bao thế hệ, từ cố xạ thủ Trần Oanh, người phá kỷ lục thế giới ở môn bắn súng đến những Trần Hiếu Ngân (taekwondo), Hoàng Anh Tuấn (cử tạ), Vũ Thị Hương, Trương Thanh Hằng (điền kinh)… \
Từ năm 1989, TTVN bắt đầu hội nhập trở lại với thể thao khu vực bằng 3 tấm HCV môn bắn súng và đến nay đã giành được tổng cộng 1.456 tấm huy chương (490 HCV, 488 HCB, 518 HCĐ). Trong hơn 20 năm qua, TTVN liên tục tăng thứ hạng từ hạng 7 cho đến một vị trí ổn định trong tốp 3 khu vực, trong đó đỉnh cao là SEA Games 22 trên sân nhà với 155 HCV.
Ở đấu trường ASIAD, từ lần tái hội nhập năm 1990 đến nay, chúng ta cũng giành được tổng cộng 12 HCV, 45 HCB và 45 HCĐ. Riêng ở đấu trường đỉnh cao Olympic, chúng ta mới chỉ giành được 2 tấm HCB ở môn taekwondo và cử tạ, nhưng với định hướng đầu tư mới, sự phát triển của các môn nằm trong nội dung Olympic sẽ ngày càng mạnh mẽ hơn.
Hướng đi mới
Đến lần kỷ niệm sinh nhật thứ 65 này, ngành TTVN nói chung và các VĐV nói riêng sẽ đứng trước nhiều cơ hội và thử thách mới. Đó là việc chuẩn bị cho các cuộc thi đấu tại vòng loại Olympic 2012, SEA Games 26 và xa hơn nữa là ASIAD 2014 tại Hàn Quốc.
Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Vương Bích Thắng cho biết, ngành sẽ tập trung chuẩn bị lực lượng VĐV cho các cuộc thi đấu quan trọng này.
Định hướng đầu tư của ngành sẽ theo Chiến lược phát triển TDTT đến năm 2020 mới được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Theo đó, 10 môn thể thao trọng điểm loại 1 và 22 môn trọng điểm loại 2 sẽ gánh những nhiệm vụ giành huy chương ở cả 3 đấu trường SEA Games, ASIAD và Olympic.
Khoảng 1.000 VĐV cũng sẽ được tập trung dưới sự dẫn dắt của các HLV, chuyên gia có trình độ cao; ngành cũng sẽ tập trung đầu tư trọng điểm vào khoảng 60 VĐV xuất sắc, kết hợp với quỹ hỗ trợ Olympic trao 10 suất học bổng cho các HLV, VĐV ở một vài môn trọng điểm…
Vy Khanh