Vinh dự được báo cáo với Bác Hồ
Liệt sĩ Nguyễn Kim Vang sinh năm 1944, ở xã Hành Đức, huyện Nghĩa Hành, Quảng Ngãi. Năm 1954, Kim Vang tập kết ra Bắc theo học Trường Học sinh miền Nam tại Hải Phòng. Ở đây, chàng trai trẻ Kim Vang bắt đầu trưởng thành qua phong trào đoàn.
Những đồng đội cùng chiến đấu với Kim Vang. |
Ông Lê Văn Trọng - bạn học của liệt sĩ Nguyễn Kim Vang hồi đó, cho biết: "Anh Vang đã trở thành một biểu tượng về sự phấn đấu vươn lên cho học sinh toàn trường và nổi tiếng với biệt danh: "Kim Vang - Bí thư Đoàn thanh niên". Với thành tích đó, Kim Vang đã được kết nạp Đảng từ khi còn là học sinh".
Cựu chiến binh Nguyễn Tấn Nỉ - cựu học sinh miền Nam, nhớ lại: "Anh Vang đã tổ chức hoạt động Đoàn rất mạnh. Tham gia phong trào Đoàn nhiệt tình, học giỏi, nên tuần nào anh cũng được trường trao cờ đỏ, học kỳ nào anh cũng được lên bục nhận phần thưởng".
Sau giờ học tập, Kim Vang lại dẫn đội quân thanh niên của mình xuống các nông trường Cát Hải, Cát Bi, Vinh Quang để tham gia trồng lúa, gặt hái cùng nông dân, tham gia xây dựng Nhà máy Nhựa Tiền phong... Ngày 22.1.1962, Bác Hồ về thăm Hải Phòng, Nguyễn Kim Vang được Ban Giám hiệu nhà trường cử đứng đầu đoàn học sinh đón và báo cáo với Bác về thành tích học tập.
Bác đã ôm hôn Kim Vang và ân cần hỏi: "Các cháu ăn có no không? Kết quả học tập của các cháu như thế nào?". Nguyễn Kim Vang báo cáo với Bác: "Dạ thưa Bác! Tất cả học sinh chúng cháu đều quyết tâm học thật giỏi để sau này trở về chiến đấu trả thù cho đồng bào miền Nam".
Khoác lên vai màu áo lính
Năm 1963, Bộ Tư lệnh Công an Nhân dân vũ trang (sau này là Bộ đội Biên phòng) chuyển thông báo về trường sẽ tuyển chọn 100 con em học sinh miền Nam về đào tạo, Kim Vang đăng ký ngay. Cầm quyết định của con, mẹ anh - bà Trương Thị Cửu dặn: "Con cố gắng phấn đấu để hoàn thành nhiệm vụ vinh quang của Đảng". Còn người cha - ông Nguyễn Lựu - Trung đoàn trưởng Trung đoàn 92 (sau là Tham mưu trưởng Trung đoàn quân khu Tả Ngạn), chỉ nói: "Để ba xem sau này con có làm được việc lớn không!?".
Ngày 25.6.1963, Kim Vang nhập ngũ và được biên chế vào Tiểu đội 9, Đại đội 1, Trường huấn luyện tại Kiến An, Hải Phòng. Sau thời gian huấn luyện, Kim Vang được biên chế về Đồn 149, Tiểu khu 78, Công an Nhân dân vũ trang Nghệ An với nhiệm vụ chống phỉ Vàng Pao và biệt kích xâm nhập. Hết thời gian thực tế, Kim Vang cùng 100 tân binh rút về học lớp sĩ quan khóa 2 Trường Sĩ quan Quân chính Công an Nhân dân vũ trang. Năm 1966, Kim Vang ra trường, về làm Chính trị viên Đồn Biên phòng Cốc Lếu (Lào Cai).
Năm 1968, Kim Vang tình nguyện đi B - vào Phú Yên chiến đấu. Anh nổi tiếng với nhiều trận đánh, như tháng 6.1969, anh chỉ huy đơn vị quần nhau với địch suốt 3 ngày đêm, đánh lui 2 tiểu đoàn bộ binh Nam Triều Tiên, bảo vệ an toàn cho các đồng chí lãnh đạo.
Ngày 26.1.1972, một ngày trước khi nhận quyết định Tỉnh ủy viên, Kim Vang xuống thôn Liên Trì, xã Bình Kiến, thị xã Tuy Hòa để xử lý một cơ sở bị vỡ. Vừa qua đường tàu lửa, anh lọt vào ổ phục kích của địch. Quyết không để bị bắt sống, anh đã chiến đấu đến viên đạn cuối cùng, đập gãy súng và hy sinh ở tuổi 28.
Lê Văn Chương