Rất nhanh chóng, CD này đã nhận được sự chào đón nồng nhiệt của thính giả trong và ngoài nước. Trò chuyện với Dân Việt, đào đàn Phạm Thị Huệ hào hứng: “Trong những ngày qua, đã có rất nhiều người, bạn bè, đồng nghiệp, giới chuyên môn và cả các thầy cô những người đặt cầu nối giữa Huệ với âm nhạc dân gian, đến chia vui với tôi và bác Đẹ”.
Đào nương Phạm Thị Huệ. |
Để có được CD “Ca trù – Singing house”, chị và nghệ nhân Nguyễn Phú Đẹ chắc hẳn đã phải trải qua nhiều khó khăn?
- Ý tưởng về CD này tôi đã ấp ủ cách đây 5 năm. Ban đầu, dự định CD là tác phẩm chung của 3 người, nhưng trong quá trình thực hiện sức khỏe của nghệ nhân Phạm Thị Chúc không được tốt nên kế hoạch có sự thay đổi.
Bên cạnh đó, việc đào tạo ca nương trẻ, phục hồi lối hát cửa đình, ra mắt giáo phường Ca trù Thăng Long, chuẩn bị các tiết mục phục vụ Đại lễ 1.000 năm Thăng Long… cũng chiếm nhiều thời gian luyện tập của thầy trò.
Khó khăn nhất là quá trình thu thanh. Kỹ năng thu thanh ca trù là không được ém hơi, hát lớn như hát mộc biểu diễn thường ngày. Người chịu trách nhiệm kỹ thuật lại chưa có kinh nghiệm thu ca trù. Hai bên phải mất rất lâu để trao đổi, thử nghiệm mới rút ra được cách làm việc hiệu quả. Sau đó chúng tôi phải tranh thủ thu tối đa, có lúc thu đến 12 bài một ngày.
Thu thanh ca trù cũng giống như các thể loại âm nhạc dân gian khác, có những đặc thù riêng, đòi hỏi sự chân thực cao. Ròng rã gần hai năm, từ tháng 5.2009 đến tận tháng 3.2011 mới hoàn thiện CD.
Có thể nói, “Ca trù - Singing house” rất lạ trên kê băng đĩa, chị có thể chia sẻ rõ hơn về điều này?
- Đứng trên quan điểm nghệ thuật, âm nhạc không có biên giới, mặt khác ca trù lại là di sản văn hóa của thế giới, nên CD lần này không chỉ dành riêng cho người Việt mà cho tất cả mọi người trên toàn thế giới muốn nghe, tìm hiểu, chung tay gìn giữ, phát triển ca trù.
Chính vì ý tưởng đó, mà không chỉ tên đĩa lạ (gồm cả tiếng Anh và Việt), mà phần vỏ đĩa còn có phần song ngữ giới thiệu lịch sử ca trù, nhạc cụ, bài hát được dùng trong CD.
Chị từng nói để ra CD lần này chị bị “vỡ kế hoạch” về kinh phí rất nhiều...
- Do quá trình thu bị thay đổi nhiều nên chúng tôi bị vỡ kế hoạch về tài chính, tuy nhiên cũng có những người bạn, người yêu nghệ thuật ca trù hỗ trợ động viên chúng tôi. Việc mời một công ty đứng ra bảo trợ chúng tôi đã nghĩ đến, nhưng bạn bè khuyên nên tự làm để giữ được toàn bộ bản quyền, nhất là đối với món đàn của cụ Đẹ là một tư liệu quý.
Sắp tới, chị và giáo phường Ca trù Thăng Long có định đi lưu diễn nước ngoài?
Đi lưu diễn cũng là một trong những kế hoạch tương lai của cả giáo phường. Trước mắt, chúng tôi đang ổn định biểu diễn phục vụ khán giả đều đặn mỗi tối thứ Bảy hàng tuần tại 28 Hàng Buồm, Hà Nội và đang cố gắng tăng buổi, tăng thời lượng biểu diễn để Giáo phường trở thành địa chỉ giao lưu, giới thiệu văn hóa. Còn về phần các ca nương, họ đã chuẩn bị sẵn sàng tinh thần, năng lực để đi lưu diễn và có thể sống bằng chính nghề hát ca trù.
Tuấn Hà