Chị Châu Hồng Hoa cho biết, xã Phú Tân được thụ hưởng Chương trình 135 của Chính phủ. Phần lớn thanh niên trong xã sống bằng nghề nông, làm thuê, đan lát… và có rất nhiều thanh niên phải ly hương đi làm thuê ở xứ người, nhưng cuộc sống nghèo vẫn hoàn nghèo. Trước thực trạng đó, là Bí thư xã Đoàn, chị trăn trở làm sao tạo được công ăn việc làm ổn định cho thanh niên xã nhà.
Chị Châu Hồng Hoa |
Nghĩ là làm
Chị mạnh dạn xây dựng đề án mô hình chăn nuôi heo nái và trình lên Đảng ủy, UBND xã, đồng thời tham mưu với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện hỗ trợ cho đoàn viên thanh niên (ĐVTN) được vay vốn phát triển kinh tế gia đình.
Chị Hoa cho biết: “Dự án của chúng tôi hướng tới phát triển chăn nuôi công nghiệp, thực hiện an toàn dịch bệnh, đảm bảo vệ sinh môi trường, xử lý chất thải. Mô hình này rất phù hợp với xu thế chăn nuôi trong giai đoạn hiện nay, đặc biệt là tạo ra nguồn con giống và sản phẩm thịt có chất lượng”.
Nghề mây tre đan đang được nhiều thanh niên theo học vì dễ tiếp thu kỹ thuật và dễ đầu tư sản xuất. |
Đề án của chị được sự ủng hộ của lãnh đạo Đảng ủy, UBND xã và Ngân hàng Chính sách xã hội huyện. Có 30 ĐVTN được ngân hàng giải ngân cho vay 150 triệu đồng. Qua 3 tháng chăn nuôi, lứa heo đầu tiên được xuất chuồng, hơn 50% ĐVTN đạt hiệu quả như mong muốn với mức lợi nhuận khoảng 3 triệu đồng/hộ.
Trên cơ sở đó, mô hình chăn nuôi heo nái, heo thịt của Đoàn xã Phú Tân đã mang lại hiệu quả đáng kể cho ĐVTN, góp phần xóa đói giảm nghèo và nhân rộng mô hình. Hiện tại có 35 hộ vừa nuôi heo nái vừa nuôi heo thịt ổn định với số lượng có lúc lên đến 200-300 con.
Luôn trăn trở…
Mặc dù đã thành công với mô hình chăn nuôi heo, nhưng trước thực trạng nhiều thanh niên chưa có việc làm ổn định, nhu cầu việc làm và học nghề trong thanh niên rất cao, chị Hoa lại cùng các cán bộ xã đoàn tìm giải pháp để khắc phục.
“Lúc đó, chúng tôi nghĩ chỉ có dạy nghề, giúp các bạn có một nghề trong tay mới giải quyết được vấn đề đó”- chị Hoa chia sẻ. Vậy là chị mạnh dạn đề xuất với lãnh đạo địa phương cho mở lớp dạy nghề may gia dụng, sửa xe, uốn tóc ngay tại chỗ giúp ĐVTN có tay nghề để tìm việc làm.
Lớp may gia dụng có trên 120 học viên theo học. Sau khi học xong, có trên 60% học viên xin được việc làm tại các khu công nghiệp ở TP.HCM và ngay tại Khu công nghiệp An Nghiệp (tỉnh Sóc Trăng). Số còn lại vận dụng nghề phát triển tại địa phương. Lớp sửa xe, uốn tóc có trên 60 học viên tham gia. Sau khi học xong, hầu hết các học viên đều có việc làm, có thu nhập ổn định, giúp gia đình thoát khỏi cảnh đói nghèo kéo dài nhiều năm qua.
Điển hình như chị Lâm Thị Thương, có tật ở chân, hoàn cảnh gia đình khó khăn, sau khi học xong lớp nghề do xã đoàn mở, nay đã có việc làm cho thu nhập ổn định mỗi tháng trên 1,5 triệu đồng, nhà cửa đã được sửa sang khang trang.
Hay như anh Châu Thành Lộc sau khi học nghề sửa xe xong mở tiệm tại nhà cũng đã có thu nhập ổn định, gia đình hết cảnh nghèo khó. Chị Sơn Thị Mộng Diệu, chị Trần Ngọc Bích học lớp uốn tóc nay cũng có tay nghề thành thạo, thu nhập khá cao, ổn định, cuộc sống gia đình được cải thiện nhiều.
Sao Khuê