Dân Việt

“Ngân hàng lương thực” cứu người nghèo

27/03/2011 08:30 GMT+7
(Dân Việt) - Tại huyện Đăk Hà (Kon Tum), mô hình “Ngân hàng lương thực cộng đồng” do người dân tự đóng góp vật liệu, ngày công làm kho và cả góp thóc gạo làm nên, tự bầu tổ quản lý... đã khắc phục hiệu quả tình trạng thiếu đói giáp hạt, chấm dứt nạn cho vay nặng lãi ở nông thôn.

Nghèo vì "hột lúa có chân"

img

Mô hình “Ngân hàng lương thực cộng đồng” đang được huyện Đăk Hà nhân rộng. Ảnh chụp kho thóc ở xã Ngọc Wang.

Đường vào xã Ngọc Wang - nơi được chọn làm thí điểm thực hiện mô hình "Ngân hàng lương thực cộng đồng" ngút ngàn màu xanh của cao su, cà phê đang mùa đơm lá. Tiếng xe công nông, máy kéo đan nhau rộn rã… Nhìn quang cảnh ấy, ít ai biết rằng chỉ cách đây chừng dăm năm, vào thời điểm này đồng bào dân tộc đang đôn đáo chạy ăn từng bữa…

Không ngừng tay dao gọt mì, gạt vội dòng mồ hôi trên mí mắt, anh A Sao ở thôn Kon Rế kể với chúng tôi: "Hồi trước, cứ vào mùa này là gia đình mình phải tất tả lo cái ăn. Làm thuê bữa được bữa mất, nên cách duy nhất là ký nợ. Cứ mỗi bao gạo 50kg cuối mùa mình phải trả 4,5 tạ sắn khô.

Tính ra con buôn lãi gấp 4 lần. Biết là "đưa cổ cho họ chặt", nhưng không vay thì lấy gì để sống! Thế nên hột lúa làm ra cứ như có chân. Mới buông cuốc đã thấy nó chạy mất tiêu rồi. May mà có cái "Ngân hàng lương thực", nếu không cái nghèo cứ theo miết, không biết đến bao giờ…".

Cùng cảnh ngộ na ná A Sao, chị I Hoàn ở thôn Kon Jri kể: Nhà mình làm hơn 2 sào cà phê, 1ha sắn nên đến mùa giáp hạt phải đi vay ăn thôi. Chẳng nhớ đã bao nhiêu lần "ký nợ", nhưng mình nhớ đời nhất là lần "ký" 50kg gạo mà trong vòng mấy con trăng mình phải trả 5 tạ sắn khô. Tính ra họ ăn lãi mình gần 2 tạ gạo… May mà có cái "ngân hàng lương thực".

Cái khó ló cái khôn

Các xã vùng đông sông Ba huyện Mang Yang (Gia Lai) như Kon Thụp, Kon Chiêng… từ lâu đã có mô hình mang tên "Kho thóc đoàn kết". Sau mùa vụ thu hoạch, mỗi hộ tự nguyện đóng góp 20kg lúa (không lấy lãi). “Kho thóc đoàn kết" không những là cứu cánh của các hộ nghèo, mà còn cả với ngành giáo dục. Những ngôi trường "bán trú dân nuôi" được "Kho thóc đoàn kết" hỗ trợ đã khắc phục hiệu quả tình trạng trẻ em nghèo bỏ học.

Anh Bùi Văn Bằng - Chủ tịch UBND xã Ngọc Wang nhớ lại: “Về nhận công tác ở xã từ tháng 6.2010, tình hình cho vay nặng lãi đã khiến tôi suy nghĩ rất nhiều. Đề đạt tình hình lên các cấp lãnh đạo huyện, cuối cùng Chủ tịch huyện Phạm Đức Hạnh đã chỉ thị lập mô hình "Ngân hàng lương thực" thí điểm ở xã Ngọc Wang. Huyện cho 8 tấn gạo làm vốn ban đầu.

Các thôn tự huy động dân góp vật liệu xây dựng kho. Đối tượng được vay, mức vay do các thôn đề đạt để xã quyết định… Qua một vụ giáp hạt, các hộ nghèo, hộ gặp rủi ro bất khả kháng đã không phải đi vay nặng lãi.

Hiện 8/9 thôn của xã làm xong kho chứa, mỗi kho có 1 tấn lúa lúc nào cũng mở rộng cửa với những hộ cần cứu trợ. Nạn cho vay nặng lãi lương thực trong xã đã gần như chấm dứt…”.

Chủ tịch Bằng cho biết thêm: Sau thời gian thử nghiệm, quy chế hoạt động của "Ngân hàng lương thực cộng đồng" đã được xây dựng quy củ, bài bản: Hiện các thôn đã bầu tổ quản lý với thành phần là các cán bộ thôn. Hàng tuần tổ phải có báo cáo lên UBND xã về hoạt động của ngân hàng.

Mức vay được ấn định 50kg/hộ, nhưng nếu hộ nào đông người có thể linh động cho vay thêm. Mức lãi tùy mỗi thôn định ra. Thời gian vay 6 tháng. Riêng các hộ không có đất trồng lúa mà phải canh tác các loại cây dài ngày, sẽ được linh động xem xét cho vay trong thời gian 1 năm…

“Nhà nước, chính quyền đã làm ra "ngân hàng", giúp đồng bào dân tộc mình khỏi đi vay nặng lãi. Không có thóc, gạo dư nộp vào ngân hàng để chia sẻ cái khó với mọi người thì thôi, làm cái chuyện dây dưa nợ nần thì con người còn ra sao nữa…" - anh A Sao nói.

Hiệu quả mô hình "Ngân hàng lương thực cộng đồng" ở xã Ngọc Wang đã được huyện Đăk Hà quyết định nhân rộng. Chủ tịch UBND huyện Đăk Hà Nguyễn Thành Trung cho biết: Hiện toàn huyện đã xây dựng được 43 kho, ngân sách huyện đã cấp 1 tấn gạo/kho làm vốn. Đồng thời huyện đang vận động các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm và đồng bào có thóc gạo dôi dư đóng góp cho kho, phấn đấu mỗi kho phải có vốn 5 tấn thóc, gạo (2 tấn gạo, 3 tấn thóc).

Mục tiêu huyện đặt ra là toàn bộ 57 thôn, làng đồng bào dân tộc thiểu số trong huyện đều có "ngân hàng". Hoàn thành chỉ tiêu này, tình trạng các hộ nghèo thiếu đói phải vay nặng lãi trong thời điểm giáp hạt sẽ chấm dứt. Đây cũng là sự ứng phó chủ động và hiệu quả nhất yêu cầu "4 tại chỗ" nếu thiên tai, bão lũ xảy ra…