Dân Việt

Cựu hoàng Bảo Đại có bao nhiêu dinh thự?

27/03/2011 10:23 GMT+7
Ngoài hoàng cung của vương triều tại Huế, hoàng đế cuối cùng của nhà Nguyễn sở hữu rất nhiều dinh thự trải khắp đất nước khi còn tại vị. Ngoài biệt thự ở Hải Phòng, Nha Trang, vị vua này còn 3 dinh thự khác tại Đà Lạt.

Hai biệt thự ở Hải Phòng và Nha Trang

Biệt thự Bảo Đại ở Hải Phòng nằm trên đỉnh đồi Vung, cao 36m so với mặt nước biển, thuộc khu II Đồ Sơn. Biệt thự được xây từ năm 1928 của toàn quyền Đông Dương Pafquiere. Sau này, biệt thự này được tặng cho vua Bảo Đại. Từ đó ngôi nhà này được gọi là biệt thự Bảo Đại.

 img
Ngôi biệt thự tuyệt đẹp nằm ở thành phố biển Hải Phòng của vua Bảo Đại. (Ảnh: doson.vn)

Mỗi lần ra kinh lý miền Bắc, Bảo Đại đều đến Đồ Sơn và nghỉ tại biệt thự này. Đứng ở đây có thể nhìn toàn cảnh bán đảo Đồ Sơn và thả tầm mắt theo sóng biển mênh mông đến tận chân trời. Hơn nữa, khí hậu ở đây ôn hòa, mát mẻ.

Với tổng diện tích là 900m2, biệt thự có phòng tiếp khách, phòng họp, phòng ăn, phòng ngủ của vua, hoàng hậu, các hoàng tử và công chúa.

Hiện này, Công ty Cổ phần Khách sạn Du lịch Đồ Sơn quản lý biệt thự này làm khách sạn.

Trong thời gian tại vị, Bảo Đại cũng đã tậu cho mình một ngôi dinh thự tuyệt đẹp khác ở thành phố biển Nha Trang. Biệt thự Cầu Đá được xây dựng trên 3 ngọn đồi nhô ra sát biển của ngọn núi Cảnh Long, thuộc khóm Cầu Đá, phường Vĩnh Nguyên.

 img
Biệt thự Cầu Đá của vị vua cuối cùng triều Nguyễn ở Nha Trang. (Ảnh: dulichnhatrang)

Biệt thự Cầu Đá là một công trình kiến trúc đẹp, có sự kết hợp hài hòa giữa phong cách kiến trúc Pháp với nghệ thuật hoa viên Phương Đông. Đây từng là nơi nghỉ mát của vua Bảo Đại và Nam Phương hoàng hậu.

Những ngôi biệt thự ở Nha Trang nguyên gốc là nơi ở của Tiến sĩ A.Crem - Giám đốc Viện Hải dương học Đông Dương. Đến năm 1926, khi Bảo Đại lên ngôi hoàng đế, vì yêu cầu chính trị có lợi cho thực dân Pháp, người Pháp đã chuyển giao những ngôi biệt thự này cho vua Bảo Đại.

Vị vua cuối cùng của triều Nguyễn đã dùng những ngôi biệt thự này làm nơi nghỉ mát cho ông và hoàng hậu Nam Phương (vì thế biệt thự Cầu Đá còn được gọi là lầu Bảo Đại).

Hiện nay, biệt thự Cầu Đá đã trở thành Khu du lịch Bảo Đại, một điểm du lịch thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước đến tham quan, nghỉ dưỡng.

Ba dinh thự của cựu hoàng ở Đà Lạt

Dinh thự thứ nhất là một hệ thống công trình rất lớn ở đường Trần Quang Diệu, thuộc phường 10, thành phố Đà Lạt, nằm trên một ngọn đồi với cảnh quan đẹp và thơ mộng, độ cao 1.550m có rừng thông bao quanh.

 img
Dinh I nằm trên một ngọn đồi với cảnh quan đẹp và thơ mộng, độ cao 1550m, có rừng thông bao quanh. (Ảnh: lamdong.gov.vn)

Nguyên đây là biệt thự của nhà triệu phú - một viên chức người Pháp- Robert Clément Bourgery. Ông đã cho xây dựng biệt thự này vào trước những năm 1940.

Sau khi Bảo Đại được người Pháp đưa trở lại nắm quyền (1948), thấy nơi đây khá đẹp và yên tĩnh nên chính phủ do Bảo Đại làm Quốc trưởng đã mua lại từ tháng 8/1949 và cho sửa sang toàn bộ dinh cơ này. Đến năm 1956, chính quyền Ngô Đình Diệm sử dụng làm dinh dành riêng cho tổng thống. Sau năm 1975, được dùng làm nhà khách của Trung ương và sau đó do Công ty DRI quản lý và sử dụng.

Dinh I được xây dựng kiên cố, tường xây gạch đá, mái lợp ngói. Toàn bộ hệ thống cửa, cầu thang, sàn lầu, vật dụng đều bằng gỗ. Dinh I là một công trình kiến trúc độc đáo, thể hiện rõ những ảnh hưởng của trào lưu kiến trúc tân cổ điển của châu Âu.

 img
Dinh thự số II của vua Bảo Đại.

Dinh thự số II là một toà lâu đài tráng lệ gồm 25 phòng được bài trí cực kỳ sang trọng, nằm trên đỉnh đồi cao, quanh năm bát ngát thông xanh và xen giữa là những thảm cỏ mọc tự nhiên. Công trình này do các KTS A.T. Kruzé, D. Veyssere, A. Léonard thiết kế và P. Foinet trong trí nội thất. Việc xây dựng tiến hành từ năm 1933 đến năm 1937 mới hoàn tất.

Đây là công trình đầu tiên sử dụng vật liệu đá rửa (màu sáng) phủ tường ngoài, cũng như các bộ phận vốn làm bằng gỗ thì nay được làm bằng kim loại mang từ Pháp. Dinh II là một trong những công trình kiến trúc đẹp của Đà Lạt, mang nhiều dấu ấn gắn liền với lịch sử của đất nước.

Dinh III là tên gọi để chỉ biệt điện của vua Bảo Đại. Sau khi người Pháp đưa Bảo Đại trở lại nắm quyền, đến 1950, nơi đây được gọi là biệt điện quốc trưởng.

 img
Ngai vàng trong ngôi dinh thự số 3 của cựu hoàng Bảo Đại ở Đà Lạt.
 img
Dinh thự số 3 của cựu hoàng Bảo Đại ở Đà Lạt.

Công trình được xây dựng trong khoảng từ năm 1933 đến năm 1938, do một kiến trúc sư người Pháp và kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát thiết kế. Dinh III được đánh giá là dinh thự đẹp đẽ và trang nhã nằm giữa một rừng thông thuần chủng, gắn liền với các tiểu cảnh kiến trúc công viên, vườn Thượng Uyển, rừng Ái Ân và một hồ nước nhỏ hòa quyện vào nhau một cách rất hợp lý và thơ mộng.

Toàn bộ tầng hai ngôi biệt điện được dùng cho sinh hoạt gia đình, gồm các phòng sinh hoạt, các phòng ngủ của vua Bảo Đại, hoàng hậu Nam Phương, các công chúa và hoàng tử. Từ phòng ngủ của vua Bảo Đại có một cửa ra sân thượng còn gọi là Vọng Nguyệt Lầu.

Theo VietNamNet