Nửa thế kỷ trước, họ là những chàng trai, cô gái mang đầy hoãi bão bước vào một đời sống mới, một mảnh vườn nghệ thuật mới. Nền hội họa VN ngày đó cũng bắt đầu những trang mới của mình theo xu hướng hiện thực XHCN.
Người xem tác phẩm “Thảo nguyên mênh mông” - sơn dầu của Trần Mỹ Nhung |
Đề tài Công, Nông, Binh và những hiện thực cuộc sống đã mở ra cho hội họa những chân trời khác, nhiều hy vọng, nhiều niềm tin. Những khóa đầu của Trường Mỹ thuật VN đã đào tạo nên những lớp họa sĩ mang quan niệm thẩm mỹ mới, chân thành, giản dị, bất chấp những yếu tố giáo điều, duy ý chí của một xã hội bao cấp thời chiến.
Một trong những lớp họa sĩ đó đã gặp gỡ lại nhau trong cuộc triển lãm này, và thật là cảm động khi giờ đây họ đã đầu bạc, mỗi người mỗi cảnh ngộ nhưng đều cùng chung một niềm say mê, chung một niềm tin vào cái đẹp. Phòng triển lãm đầy ắp sắc màu, tất nhiên mỗi tác giả vẫn giữ phong cách của mình nhưng đều nguyên vẹn một quan niệm nghệ thuật mà họ đã chọn lựa từ khi cùng chung một mái trường. Thậm chí những tác phẩm hôm nay còn tươi mới một tình cảm yêu đời hơn.
Tác phẩm “Cô gái bán táo” - sơn dầu của Nguyễn Công Mỹ tại triển lãm |
Đành rằng nghệ thuật phải có dòng chảy liên tục của nó, phải có sự đổi thay, nhưng như thế không có nghĩa là cái mới sẽ phủ nhận cái cũ. Duy trì được một giá trị cũ còn hơn đến vội với một cái mới không hoàn chỉnh, không phải của mình.
Chỉ có những nghệ sĩ có bản lĩnh mới làm được điều này. Tôi nghĩ thế khi đứng giữa phòng tranh của các bậc đàn anh đàn chị hôm nay, họ đã đi từ chủ nghĩa hiện thực XHCN để đến với một hiện thực mới, một hiện thực cộng với những ước vọng tốt đẹp hơn, tử tế hơn, khiến ai cũng có thể cảm nhận được.
Đó chính là thành công của triển lãm này, triển lãm của các họa sĩ, nhà điêu khắc: Ngô Văn Viên, Nguyễn Xuân Quang, Doãn Vượng, Trần Mỹ Nhung, Phùng Chí Thu, Thẩm Đức Tụ, Trần Thị Mỳ, Lại Đăng Bạch, An Chương, Nguyễn Thị Thủy, Đỗ Hiển, Phạm Lực, Vũ Huyên, Nguyễn Công Mỹ, Lê Minh Sơn, Nguyễn Ngọc Lợi, Hồng Ngọc, Vương Hoàng Oanh, Lê Sỹ Thắng.
Họa sĩ Trịnh Tú