Năm 1989, tôi và Trịnh Công Sơn đi Pháp theo lời mời của Hội Người VN tại Pháp. Cùng đi với chúng tôi có đoàn cải lương của thành phố. Một số Việt kiều ở Mỹ bay qua Pháp với ý đồ hành hung và bắt cóc nghệ sĩ của thành phố, họ đã chặn đường đoàn để hành hung. Ý đồ của họ không thành vì có sự bảo vệ của Hội Người Việt.
Hai chúng tôi phải tản cư về một tỉnh lẻ. Ở Paris, anh em khoanh vùng nơi nào Trịnh Công Sơn được đến, nơi nào là vùng cấm, và Trịnh Công Sơn tuyệt đối không được đi một mình. Còn tôi, không ai biết tôi, nên tôi đi lại như người... Paris.
Nơi nào, quán nào là vùng cấm của Trịnh Công Sơn, tôi đều đến. Tôi ngạc nhiên là những nơi thù ghét Trịnh Công Sơn đều nghe nhạc Trịnh Công Sơn, và họ nhận định họ thua một phần là vì nhạc của Trịnh Công Sơn, nhạc Trịnh Công Sơn làm cho lính tráng rã rời. Như vậy nhạc Trịnh Công Sơn rất có công với cách mạng.
Có một nhạc sĩ nói với tôi, nghe nhạc Trịnh Công Sơn thấy đơn giản, không có gì cao xa rắc rối, rất dễ làm nhưng không ai làm nổi, ngoài Trịnh Công Sơn.
Có một hôm ông Võ Văn Kiệt - mà chúng tôi gọi một cách thân mật là anh Sáu Dân, nói tối qua anh nghe đài Mỹ, họ đánh giá VN có 3 nhạc sĩ: Nhạc sĩ Văn Cao, nhạc sĩ Phạm Duy và nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.
Riêng về nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, đài Mỹ bình luận lời của Trịnh Công Sơn là lời của phù thủy. Nói "lời của phù thủy" vì họ không phân tích nổi. Đúng như vậy, nghe nhạc Trịnh Công Sơn không nên phân tích mà nghe từ cảm xúc, từ đó ta mơ tưởng, ta nghĩ theo ý mình.
Trịnh Công Sơn đã dùng lời lẽ của dân gian để phổ nhạc lời lẽ trong kinh Phật: Con người hãy yêu thương nhau, hãy khoan dung tha thứ cho nhau, nhân từ và bác ái.
Nay ở Huế đã có con đường mang tên Trịnh Công Sơn. Tôi vừa đi thăm, con đường có những quán cà phê, quán nhậu mang tên những bài hát của Trịnh Công Sơn. Ở con đường Trịnh Công Sơn, cà phê như ngon hơn, rượu như ngon hơn và lãng mạn như tâm hồn Trịnh Công Sơn.
Nhà văn Nguyễn Quang Sáng