Dân Việt

Việc nghĩa nào tính thiệt hơn

07/11/2010 00:46 GMT+7
(Dân Việt) - Sinh năm 1984, không như nhiều bạn cùng trang lứa, học hết cấp II, tôi đã nghỉ để lao động kiếm sống. Một thanh niên bình thường như tôi chưa từng nghĩ sẽ có một ngày mình trở thành nhân vật của báo chí, được nhận bằng khen của Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam...
img
Anh Lương và cha mẹ. 

Đó là một ngày cuối tháng 12-2009, trên đường từ Hà Nội trở về qua bến xe Mỹ Đình, tôi đã gặp một vụ tai nạn giao thông, nạn nhân là một nam thanh niên đang trong tình trạng rất nguy kịch. Đám đông tụ tập xung quanh đua nhau bàn tán, nhưng không ai nghĩ đến việc phải đưa cậu ấy đi cấp cứu.

Chẳng kịp đắn đo, tôi gọi xe đưa nạn nhân vào Bệnh viện 19-8 (Bộ Công an). Khi ấy có một người đàn ông lạ mặt bước theo và dúi vào tay tôi 1 triệu đồng bảo để nộp viện phí rồi bỏ đi ngay. Về sau tôi mới biết chính ông ta là người gây tai nạn.

Người thanh niên tội nghiệp với vết thương hiểm nghèo bị thủng một lỗ sau gáy, hôn mê sâu, khi nhập viện không có giấy tờ tùy thân, không ai quen biết, chỉ có một chùm chìa khóa và mấy chục nghìn đồng. Thời điểm đó chỉ còn đúng 17 ngày nữa là đến lễ cưới của tôi, nhưng không đành lòng để cậu ấy một mình, tôi đã quyết định ở lại bệnh viện.

Ban đầu thấy tôi chăm nạn nhân, người thì đoán tôi là thân nhân, cũng có người cho là chính tôi đã gây ra tai nạn. Đến khi vỡ lẽ rằng, tôi cũng chỉ là một khách qua đường, thấy người hoạn nạn thương mà giúp thì ai cũng động viên, quyên góp ủng hộ bằng cả vật chất và tinh thần.

Quả thực mấy ngày ở Bệnh viện 19-8, tôi mới hiểu thêm được phần nào về nghĩa đồng bào, về tinh thần tương thân tương ái.

Dù đã có sự quan tâm, săn sóc của tôi và mọi người, sự tận lực cứu chữa của các bác sĩ, nhưng nạn nhân không qua khỏi. Chẳng rõ lai lịch, tên tuổi, quê quán, gia đình, tôi đã mạn phép dùng họ của mình và đặt cho cậu ấy một cái tên rồi cùng với Công an huyện Từ Liêm (Hà Nội) an táng thi hài ở nghĩa trang Văn Điển, rồi đem bài vị gửi lên chùa để tiện bề hương khói.

Tôi cũng đã tìm mọi cách liên lạc khắp nơi, đăng tin tìm kiếm trên truyền hình, báo in, báo điện tử rồi nhờ cả các nhà ngoại cảm giúp nhưng vẫn chưa tìm được thân nhân của chàng trai xấu số.

Gần 1 năm đã trôi qua, chẳng nhớ bao nhiêu lần tôi ngược Hà Nội, xuôi về Nam Định, rẽ sang Ninh Bình rồi vòng về Hải Dương… cứ có thông tin là tôi lại hy vọng. Vất vả, tốn kém không ngại, chỉ mong danh tính của người quá cố được sáng tỏ, mộ phần được về với gia đình ruột thịt mới yên lòng - cả bố mẹ và vợ đều động viên tôi!

Giờ đây, tôi đã có một gia đình riêng hạnh phúc với cơ sở kinh doanh làm ăn phát đạt. Thiêng liêng hơn, tôi mới được làm cha. Song, trong lòng tôi vẫn luôn canh cánh nỗi niềm chưa chu toàn với "người dưng" đã mất.

Dịp vừa rồi, tôi đi dự Đại hội Hội Liên hiệp Thanh niên thành phố Hải Phòng và được nhận bằng khen trở về, có người "đùa" rằng: Hình như tôi làm việc nghĩa để được nổi tiếng? Với tôi, giúp đỡ người khác chưa bao giờ so thiệt, tính hơn. Truyền thống gia đình và môi trường sống đã dạy cho tôi điều đó.