Dân Việt

Chàng nhạc sĩ trẻ và nỗi đau da cam

24/07/2011 11:09 GMT+7
(Dân Việt) - Ông nội và bố của Dương Hồng Kông đều là cựu chiến binh bị nhiễm chất độc da cam, chị gái của cậu cũng đang phải sống với nỗi đau này. Vì thế mà Kông đã viết nhạc, để an ủi, động viên người thân và chính mình.

Dương Hồng Kông tên thật là Nguyễn Đức Công, sinh ra và lớn lên tại Cẩm Thủy (Cẩm Phả, Quảng Ninh) trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật.

img
Nhạc sĩ Dương Hồng Kông.

Nỗi đau và tình yêu

Ông nội Kông là một nghệ sĩ vùng mỏ, nổi tiếng với cây đàn accordion, đã tham gia chiến đấu ở Điện Biên Phủ (1954), rồi tham gia biểu diễn phục vụ nhân dân lao động khắp vùng mỏ cho đến ngày giải phóng. Bố Kông - ông Nguyễn Bá Dương cũng từng là cựu sinh viên của Nhạc viện Âm nhạc quốc gia, trực tiếp cầm súng chiến đấu và làm văn công trên chiến trường lửa Quảng Trị.

Ngay từ khi còn học ở Trường CĐ Văn hóa nghệ thuật và du lịch Quảng Ninh, Kông đã nhiều lần được ông kể cho nghe nhưng câu chuyện về chiến tranh, về sự hy sinh và mất mát của đồng đội. Và từ những hình ảnh đẹp nhất, sâu sắc nhất về con người, tình người trong chiến tranh và chính những câu chuyện giản dị và xúc động đẫm nước mắt ấy đã gieo vào lòng cậu học trò nhỏ một tình yêu nghệ thuật từ lúc nào không biết.

Kông chia sẻ: “Mình chỉ thực sự bước vào con đường sáng tác âm nhạc khi biết đến nỗi đau mà gia đình, người thân mình đang phải gánh chịu”. Kông nhớ lại lúc đó là năm 1980, cha bị một cơn sốt rét nặng, không đủ sức làm việc nên đơn vị cho về phục viên tại quê nhà Quảng Ninh. Nhưng có ngờ đâu, lúc đó cha của Kông đã mang trong mình một hiểm họa, chất độc dioxin ngấm ngầm lan tỏa khắp cơ thể, khiến thân hình ông ôm yếu, tàn tạ. Để rồi một ngày giáp hạt năm 1988, khi Kông vừa lên 3, người cha mãi mãi ra đi.

Nỗi đau này chưa dứt thì nỗi đau mới lại trùm lên. Chị gái Nguyễn Bích Hồng của Kông bắt đầu phát bệnh nặng do mang những di chứng từ chất độc da cam. Mỗi lúc như thế, Kông thấy nước mắt mẹ ngắn dài lăn trên gò má. Đã có lúc Kông nghĩ mình phải bỏ học kiếm tiền thay mẹ nhưng cậu nói: “Nhìn vào ánh mắt của mẹ mình biết mẹ không muốn mình làm vậy. Mẹ muốn mình sống vững vàng, bước tiếp vì bố, vì chị Hồng và cũng vì mẹ nữa”.

Không chịu khuất phục

Dương Hồng Kông muốn thông qua âm nhạc để nói với bạn bè quốc tế về nỗi đau do chất độc da cam/dioxin mà đế quốc Mỹ đã gây ra, kêu gọi sự ủng hộ cho 3 triệu nạn nhân ở Việt Nam...

Ngay từ khi còn học phổ thông, Kông đã có những sáng tác âm nhạc đầu tay. Hầu hết những sáng tác ấy đều là những cảm xúc rất thật, rất đời thường. Đó là nỗi lòng của một người đang có những người thân phải gánh chịu thảm họa chiến tranh.

Năm 2005, Kông đoạt giải nhì với ca khúc “Mẹ tôi” trong cuộc thi sáng tác trẻ do Nhạc viện Hà Nội tổ chức. “Chiến tranh của mẹ” là tác phẩm vừa đoạt giải Nhì cuộc vận động sáng tác ca khúc vì nạn nhân chất độc da cam. Với những ca từ giản dị nhưng thấm đẫm tình người, Kông viết từ những câu chuyện có thật, đang diễn ra đâu đó, gần gũi xung quanh cậu.

Kông cho biết: “Ca khúc “Chiến tranh của mẹ” là một món quà tôi sáng tác dành gửi tới những người thân trong gia đình tôi như một sự tri ân. Đó là mẹ tôi, chị tôi và cả người bố đã qua đời của tôi nữa. Bởi hơn ai hết, chính họ là người đang từng ngày từng phút gánh chịu thương tật trên mình do chất độc hóa học của chiến tranh. Vì lẽ đó khi bắt tay vào sáng tác tôi chỉ muốn kể một câu chuyện, câu chuyện ấy hoàn toàn có thật, có thật về nhân vật, về nỗi đau của chiến tranh”.

Về sáng tác của Kông, nhạc sĩ Đăng Nước nhận xét: "Những bản nhạc của Kông có sự tìm tòi về ngôn ngữ, có phong cách độc đáo, kết hợp khéo léo chất liệu truyền thống với thủ pháp sáng tác cổ điển. Tựu trung lại những khúc nhạc của Kông không chỉ có ngón tài tình của âm nhạc, còn là thơ, là kịch, là tráng ca, là văn hóa, là "hoa của đất".