Dân Việt

Lòng từ thiện chờ... cấp phép

16/11/2012 06:47 GMT+7
(Dân Việt) - Đọc bức thư ngỏ của ông Trần Đăng Tuấn gửi Bộ trưởng Bộ Nội vụ thấy chua xót trong lòng, thấy cay đắng lương tâm và thấy bất bình với những người vô tâm.

Dự án Quỹ “Cơm có thịt” được lập ra để hỗ trợ các em học sinh ở các tỉnh miền núi phía Bắc được đông đảo cá nhân, tổ chức hưởng ứng.

Dự án Quỹ “Cơm có thịt” được lập ra để hỗ trợ các em học sinh ở các tỉnh miền núi phía Bắc được đông đảo cá nhân, tổ chức hưởng ứng. Bữa cơm của các em đã thêm được chút thịt, nghe mà mát ruột, sướng lòng. Một sự sẻ chia từ những tấm lòng nhân ái không chỉ cho các em thêm chút dinh dưỡng, mà còn sưởi ấm các em bằng tình thương của mọi người.

Đáng tiếc là dự án đó đang bị chặn lại ở cửa Bộ Nội vụ. Hồ sơ xin thành lập Quỹ từ thiện “Cơm có thịt” trình lên nhiều tháng ròng rã nhưng chuyên viên của Bộ Nội vụ không hồi âm, các nhà sáng lập hỏi thì trả lời lãnh đạo bận đi công tác. Một cách trả lời vô trách nhiệm thường thấy ở các cơ quan công quyền. Cách trả lời này còn thể hiện sự coi thường dân, hành dân, ngay cả với những người chỉ có tâm nguyện duy nhất là làm từ thiện.

Đúng ra, với người có lương tâm, có tấm lòng với dân với nước, khi có nhóm sáng lập trình hồ sơ xin lập quỹ từ thiện, những người có trách nhịêm phải vui mừng và sốt sắng thực hiện chức trách của mình. Bản thân không có điều kiện để tham gia quỹ, thì sự đóng góp có ý nghĩa nhất chính là công việc, phận sự mà mình đang làm. Nếu như hồ sơ còn có những thiếu sót thì hướng dẫn bổ sung, thúc đẩy làm sao để quỹ được thành lập và đi vào hoạt động.

Hoạt động từ thiện – xã hội không chỉ có ý nghĩa hỗ trợ, giúp đỡ người nghèo, mà còn là kế tục truyền thống nhân đạo quý giá của dân tộc được xây dựng từ bao đời nay. Để cho các quỹ từ thiện hoạt động tốt, có hiệu quả, tránh sai sót phải có công cụ quản lý. Nhưng công cụ quản lý phải hợp lý, thông suốt để những cá nhân, tổ chức lập quỹ thực hiện được công việc thiện nguyện của họ. Trên thực tế, để xảy ra những ách tắc, chứng tỏ quy định còn điều chưa hợp lý.

Điều bất hợp lý mà ông Trần Đăng Tuấn chỉ ra chính là quy định mức lập quỹ trị giá 5 tỷ đồng. Số tiền cao như vậy sẽ gây khó khăn cho những tổ chức sáng lập quỹ từ thiện. Có thể ban đầu một quỹ từ thiện có số tiền huy động thấp, nhưng do uy tín của quỹ, sẽ vận động nhiều người ủng hộ về sau. Hạn chế lập quỹ từ thiện trước hết là thiệt thòi cho người nghèo, những đối tượng cần từng ký gạo, miếng thịt như những học sinh nghèo ở Yên Bái. Quy định là do con người ban hành, do đó có thể sửa đổi.