Ngày 13.11, Trung tâm Hỗ trợ nông dân, nông thôn và Hội ND Ninh Bình đã tổng kết mô hình này tại huyện Yên Khánh.
Thu hoạch cá tại ao của gia đình ông Nguyễn Văn Liêm, xã Khánh Tiên. |
Chăm cá như... chăm vợ đẻ
Hai tháng nay, khu ao rộng 3.000m2 của gia đình ông Nguyễn Văn Liêm (xóm 8, xã Khánh Tiên) có nhiều người đến xem cá. Chưa bao giờ ở đây người dân lại chứng kiến ao nuôi cá với mật độ dày với tỷ lệ lớn cá rô phi đơn tính đến như vậy.
Gia đình ông Liêm là 1 trong 5 hộ ở xã Khánh Tiên và Khánh Lợi được chọn để trình diễn mô hình thả xen ghép cá rô phi đơn tính với các loại cá truyền thống. Với sự hỗ trợ kinh phí từ dự án, tháng 5.2012, ông Thiện thả 9.000 con cá giống, trong đó tỷ lệ cá rô phi đơn tính chiếm 70%, còn các loại cá mè, trôi, trắm cỏ mỗi loại chiếm 10%.
“Từ ngày thả con giống cho tới giờ, tôi chăm cá như chăm vợ đẻ. Tiếp thu kiến thức từ các buổi tập huấn kỹ thuật thế nào, tôi cứ thế áp dụng. Lọ mọ ngoài ao suốt, phải cho cá ăn đúng giờ, đúng khẩu phần, rồi thay nước, theo dõi sinh trưởng, ghi nhật ký... Đàn cá lớn nhanh, nhất là cá rô phi, tôi quên cả vất vả mệt nhọc. Lúc lúc người này người kia trong làng, ngoài xã ghé qua ao xem cá ăn, tôi thấy phấn chấn hẳn”- ông Liêm thổ lộ.
Sau 7 tháng nuôi, các loại cá thả trong ao nhà ông Liêm đều đạt kích cỡ, trọng lượng theo yêu cầu kỹ thuật của dự án, riêng cá rô phi đơn tính đạt trọng lượng đồng đều từ 0,6-0,7kg/con (vượt 0,1-0,2kg/con so với yêu cầu). “Các năm trước, nuôi cá truyền thống giỏi lắm chỉ được 1 tấn, năm nay ao của tôi không dưới 3 tấn cá”- ông Liêm quả quyết.
Với diện tích ao nuôi 0,5ha, thả tới 15.000 cá giống, ông Đào Xuân Thanh (xã Khánh Lợi) cũng khẳng định, năm nay gia đình ông thu hoạch ít nhất cũng được hơn 4,5 tấn cá, trong đó phần nhiều là rô phi đơn tính...
Đầu ra tốt sẽ lãi lớn
5 hộ tham gia Dự án “Phát triển nuôi cá đối tượng truyền thống và nuôi cá hồ chứa” tại huyện Yên Khánh đều là những hộ có kinh nghiệm nuôi cá hàng chục năm. Nhưng qua mô hình nuôi cá rô phi đơn tính xen ghép với cá truyền thống, các hộ mới vỡ ra nhiều điều. Ông Nguyễn Văn Liêm bộc bạch: “Qua tập huấn, tôi mới biết thêm nhiều kiến thức, xử lý đáy ao, xử lý nước thế nào, hiểu được tại sao phải thả với mật độ 3 con/m2, vì sao tỷ lệ cá rô phi đơn tính phải chiếm 70% tổng đàn cá trong ao... Đúng là có học mới biết”.
Bên cạnh nguồn hỗ trợ từ dự án, các hộ đều bỏ thêm phần lớn vốn đầu tư để xây dựng mô hình. Ông Phan Văn Thức, xã Khánh Lợi chia sẻ: “Hộ nào cũng bỏ thêm mấy chục triệu đồng đối ứng nên phải cố gắng thực hiện đúng kỹ thuật hướng dẫn. Có vất vả, khó nhọc, tốn kém hơn so với cách nuôi trước kia, nhưng đến thời điểm này có thể khẳng định, năng suất, sản lượng cá tăng gấp 3 lần...”.
Hộ nào tham gia dự án cũng phấn khởi, nhưng bên cạnh đó là nỗi lo về đầu ra. “Tôi đi khảo giá ngoài chợ, thấy cá rô phi đơn tính loại to giá 32.000-35.000 đồng/kg. Bán giá đó là có lãi rồi, nhưng tôi lo làm sao tiêu thụ cho hết mấy tấn cá. Nếu bán dăm ba chục cân ngoài chợ thì đến bao giờ cho hết, mà mùa rét đã đến”. Nỗi lo của ông Thiện cũng là nỗi lo chung của các hộ tham gia dự án.
Là đơn vị tham gia quản lý dự án, Hội ND tỉnh Ninh Bình đang cố gắng tìm nơi tiêu thụ cá, nhất là cá rô phi đơn tính cho bà con. “Chúng tôi đã kết nối được với 1 doanh nghiệp tiêu thụ. Doanh nghiệp này sẽ mua cá cho các hộ tham gia dự án với giá hợp lý”-ông Phạm Văn Việng-Phó Chủ tịch Hội ND tỉnh Ninh Bình cho biết.
Phương Đông