Sôi động phố núi
Ở thành phố miền núi, nên người dân Sơn La vẫn chủ yếu làm nông nghiệp, nhưng nghề nông ở thành phố này cũng có nhiều nét mới hơn so với các huyện khác trong tỉnh, đó là sự đa dạng hoá ngành nghề theo hướng sản xuất hàng hoá, đáp ứng nhu cầu thị trường. Kề sát bên các công sở, nhà máy, xí nghiệp, khu dân cư là ruộng lúa, vườn rau, ao cá, vườn hoa, trang trại chăn nuôi...
Cư dân của thành phố gồm nhiều dân tộc anh em cùng chung sống: Thái, Kinh, Mông... quần tụ dọc theo con suối Nậm La và quanh những chân núi hùng vĩ. Sự đa dạng ấy đã tạo nên sự sôi động riêng có của phố núi này.
Cô gái Thái (bản Pó, xã Chiềng An, TP.Sơn La) đã mạnh dạn đưa cây hoa ly về trồng, thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm. |
Ông Quàng Văn Lâm cho biết: “TP.Sơn La có Quốc lộ 6 chạy qua, là huyết mạch quan trọng nối liền với nhiều tỉnh Tây Bắc nên cũng tạo đà cho kinh tế phát triển. Bên cạnh đó, thành phố cũng có nhiều chính sách, giải pháp thích hợp để kích cầu kinh tế, khơi nguồn nội lực trong nhân dân, góp phần thúc đẩy kinh tế-xã hội tăng trưởng nhanh hơn”.
Theo ông Lâm, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng ưu tiên phát triển công nghiệp, xây dựng, thương mại, dịch vụ và sản xuất nông nghiệp công nghệ cao đang được TP.Sơn La quan tâm đầu tư. Hàng ngàn hộ dân đã chuyển sang sản xuất phi nông nghiệp. Hàng ngàn ha đất sản xuất hiệu quả thấp đã chuyển đổi sang làm trang trại chăn nuôi, trồng cà phê, cây ăn quả, rau xanh, hoa tươi...
Xắn tay xoá nghèo
Bên vườn cà phê xanh mướt mắt, anh Cà Văn Liên- chủ trang trại cà phê ở xã Chiềng Đen, TP.Sơn La cho biết: “Đất Chiềng Đen này trước đây nghèo nhất thành phố bởi vừa xa trung tâm, giao thông khó khăn, khí hậu lại khắc nghiệt. Nhưng bây giờ đời sống của bà con đã khá lên nhiều nhờ vào chuyển đổi cây trồng - vật nuôi. Ngoài những khoản hỗ trợ của Nhà nước thì người dân cũng mạnh dạn đầu tư từ nguồn vốn chắt chiu của mình để gây dựng nguồn thu. Nhà tôi cũng bỏ ra 5-6 năm đầu tư mới được hơn 1ha cây cà phê và cây ăn quả. 3 năm gần đây, thu nhập đã đạt mức bình quân gần 100 triệu đồng/năm”. Nhiều hộ trong xã Chiềng Đen đã bỏ hẳn trồng cây ngắn ngày hiệu quả thấp trên nương để chuyển sang trồng cây lâu năm, cây giống mới hoặc trồng rừng kinh tế...
Ông Đỗ Văn Thưởng
Đưa chúng tôi đi thăm mấy ha cây dó bầu đã vào giai đoạn cấy trầm, anh Lò Văn Pâng - nông dân giỏi ở bản Hìn, phường Chiềng An tâm sự: “Trước đây, đất này chỉ trồng ngô nhưng khô cằn nên năng suất thấp lắm. Thấy thành phố khuyến khích người dân chuyển đổi cơ cấu kinh tế, cân đối lại thu nhập của gia đình thấy đảm bảo cuộc sống nên tôi mạnh dạn đưa cây dó bầu vào trồng. Bây giờ thì vườn dó bầu này đã có giá trị nhiều tỷ rồi. Dân bản Hìn bây giờ cũng không còn hộ đói nữa, hộ nghèo giảm nhanh lắm nhờ các chính sách hỗ trợ của Nhà nước và sự chuyển biến trong nhận thức, đầu tư của chính họ”.
Chỉ vườn hồng đang ra hoa nụ đỏ rực, ông Đỗ Văn Thưởng - Chủ nhiệm hợp tác xã hoa tươi ở bản Ái, xã Chiềng Xôm, TP.Sơn La, bảo: “Chỉ tính riêng xã Chiềng Xôm đã có gần 20ha đất lúa, đất nương chuyển sang trồng hoa, cho thu nhập cao gấp 7-10 lần trồng lúa. Hoa ở đây đẹp nên thị trường Hà Nội và các tỉnh khác cũng rất ưa chuộng. Việc chuyển đổi sản xuất được thành phố tạo nhiều điều kiện thuận lợi nên người dân rất hưởng ứng”.
Kiều Thiện