Dân Việt

Tâm tư về “sức bền” của Hiến pháp

16/11/2012 13:34 GMT+7
Dân Việt - Sáng 16.11, Quốc hội thảo luận tại Hội trường về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu.
img
Ảnh: TTXVN

Các ĐB góp ý với nhiều điều khoản, trong đó tập trung khá kỹ về câu chữ và tâm tư làm sao để quyền cơ bản của con người, quyền lực nhân dân được thực thi hiệu quả.

Quyền sống và mưu cầu hạnh phúc

ĐB Trần Xuân Vinh góp ý dài, nhưng ông bất ngờ đưa câu chuyện về đập thủy điện Sông Tranh ngày 15.11:

“Trong dự thảo này, tôi đặc biệt quan tâm tới quyền con người, quyền cơ bản của công dân. Các đại biểu đều biết hôm qua 15.11, ở Quảng Nam lại động đất, lòng dân vốn đã bất an giờ càng bất an hơn. Tôi tin tưởng Đảng, Quốc hội và nhà nước sẽ không vì mục tiêu phát triển kinh tế, vì khoản tiền đã đầu tư cho đập sông Tranh… mà quên đi quyền được sống, quyền mưu cầu hạnh phúc của hàng vạn người dân khi đập sông Tranh có sự cố”

ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) tập trung thảo luận rất dài vào Chương 2- Quyền con người. Theo bà, cần có cơ chế để thực hiện các quyền đã được quy định trong hiến pháp mà không phải chờ hướng dẫn như quyền biểu tình, quyền có thông tin.

ĐB Kim Thúy phân tích, có 2 nhóm quyền là quyền theo hiến pháp: về tự do dân chủ, bất khả xâm phạm về chỗ ở, tín ngưỡng tôn giáo... và nhóm quyền bị quy định bởi luật như quyền kinh tế… Trên cơ sở phân tích này, bà đề nghị bổ sung thêm điều mới, có 2 khoản, trong đó có khoản công dân có quyền khởi kiện tại tòa án khi quyền con người của mình bị xâm phạm.

Kết thúc thảo luận, ĐB Kim Thúy cực kỳ tâm tư khi nhấn mạnh “đường lối không chỉ cao cả đẹp đẽ mà còn phải có khả năng thực hiện được”.

Quan tâm đặc biệt tới chế định sở hữu đất đai của người dân, ĐB Đinh Xuân Thảo (HN) nhấn mạnh, ông đồng ý với việc coi quyền sử dụng đất là quyền về tài sản của người dân và điều 58,59 khẳng định đất đai thuộc sở hữu nhà nước:

“Điều này giúp ngăn ngừa sở hữu địa tô bất hợp lý… Đất đai có được là do công sức mồ hôi xương máu của bao thế hệ người dân. Nước ta 70% dân số là nông dân, bình quân diện tích đất sản xuất trên đầu người thấp nhất thế giới. Đất đai là tài nguyên quý giá của quốc gia, là tư liệu sản xuất đảm bảo đời sống cho hàng triệu người dân, không thể có sở hữu địa tô và nông dân phải đi làm thuê trên đất của mình”.

Tuy nhiên, ĐB Đinh Xuân Thảo hết sức lo ngại khi chế định sở hữu đất đai giữa Hiến pháp và Luật đất đai đang bàn có vênh nhau. Đặc biệt ở vấn đề thu hồi đất: Hiến pháp quy định 3 lý do thu hồi: Quốc phòng, an ninh quốc gia, trong khi Dự thảo luật đất đai còn có thêm: thu hồi vì mục đích phát triển lợi ích công cộng và kinh tế xã hội (điều 53,54).

“2 văn bản này song hành, Luật đất đai quy định 5, Hiến pháp quy định 3 thì rất khó xử lý”- ĐB Đinh Xuân Thảo nói.

Cũng liên quan tới quyền tài sản về đất đai, ĐB Nguyễn Đình Quyền (Hà Nội) khẳng định cần phải đưa vào hiến pháp. Ông cho rằng: “Quyền sử dụng đất là quyền tài sản, nếu nâng lên tầm hiến pháp thì sẽ giúp giải quyết nhiều vấn đề đất đai”

Phân tích về vấn đề dân chủ trực tiếp, ĐB Quyền cho rằng quy định trong Dự thảo còn rất hẹp, mới chỉ thể hiện qua trưng cầu dân ý, mà nội hàm nó rộng hơn, dân chủ trực tiếp là quyền tiếp cận thông tin của nhân dân, bầu cử trực tiếp một số chức danh.

Vì vậy, ông và nhiều ĐB khác cho rằng nên thành lập Hội đồng bầu cử, đảm nhiệm các công việc liên quan tới trưng cầu dân ý, bầu một số chức danh do nhân dân bầu, lấy ý kiến nhân dân trong một số vấn đề không liên quan tới trưng cầu dân ý, tổ chức bầu Quốc hội…

Tâm tư về “sức bền” của Hiến pháp

Cho rằng chỉ cần “sai một từ, thừa một chữ” là ảnh hưởng tới cả triệu người dân, ảnh hưởng tới “sức sống lâu bền” của Hiến pháp, nhiều ĐB đã “soi” rất kỹ từng chữ và cho rằng lời văn của Hiến pháp 1946, 1959, 1980, 1992 súc tích, uy nghiêm… Trong khi bản Dự thảo này còn diễn giải dài, cần căn chỉnh câu chữ.

ĐB Nguyễn Thành Bộ (Thanh Hóa) tập trung vào câu: “Nhà nước đảm bảo quyền làm chủ mọi mặt cho nhân dân”, theo ông, câu này thừa chữ “mọi mặt” bởi nhà nước phải đảm bảo cho nhân dân quyền làm chủ về mọi phương diện, để nhân dân chủ động phát huy quyền làm chủ của mình. Ông cũng đề nghị Điều 4: bỏ từ “đồng thời”. Ngoài ra, câu “Phản bội tổ quốc là tội nặng nhất” là không chính xác bởi Luật hình sự không có từ “tội nặng nhất”. Để đảm bảo đúng khung hình phạt, cần sửa “phải chịu hình phạt đích đáng”

Nhất trí với ý kiến ĐB Bộ, ĐB Trần Xuân Vinh (Quảng Nam) cũng đề nghị bỏ từ “đồng thời” ở Điều 4

Ở tầm bổ sung thêm điều khoản, mục mới, ĐB Trần Đình Nhã (Thừa Thiên -Huế) đặt vấn đề khá mới về việc khi xảy ra chiến tranh, cơ quan nào sẽ thay thế Quốc hội giám sát, làm luật. “Chiến tranh là điều không ai mong muốn nhưng có thể xảy ra. Chúng là phải lường trước, không thể tưởng khi đại bác gầm lên thì luật pháp không còn cần thiết nữa. Hiến pháp phải tiên liệu được khi xảy ra chiến tranh thì ai sẽ làm thay quốc hội”.

ĐB Nhã dẫn chứng, thực tế 9 năm kháng chiến chống Pháp, Quốc hội không họp được, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt quốc hội ban hành nhiều sắc lệnh. Ông Nhã cho rằng: “Trong trường hợp chiến tranh, Hội đồng Quốc phòng an ninh có thể thay thế Quốc hội, làm thay quốc hội, trừ việc ban hành Hiến pháp. Và Hội đồng này được Hiến pháp trao quyền ngay khi có biến chứ không chờ văn bản, quyết định. Sau chiến tranh, Hội đồng này phải báo cáo hoạt động với Quốc hội trong cuộc họp gần nhất”.

Về tên gọi Hiến pháp, ĐB Hồ Trọng Ngũ (Vĩnh Long) băn khoăn: “Trong lịch sử, Hiến pháp 4 lần đều ra đời trong hoàn cảnh đặc biệt của dân tộc, bổ sung các điểm thay đổi cơ bản các đường lối mục tiêu cơ bản của từng thời kỳ, hệ thống tổ chức của nhà nước, quyền của nhân dân. Hiến pháp lần này phản ánh những biến đổi gì, làm gì để hiến pháp có sức bền nhiều năm tới. Theo tôi, để thể hiện sự thay đổi đó thì nên gọi tên là “Hiến pháp năm 2012”. Nếu chỉ gọi “Hiến pháp sửa đổi năm 1992” thì coi như là sửa đổi nhỏ.

Cũng theo ĐB Ngũ, nhiều ý kiến cho rằng Hiến pháp 1992 có nhiều sai sót, nên Hiến pháp này dùng từ “sửa đổi” thì coi như sửa sai. Ông khẳng định không phải như vậy, Hiến pháp lần này có tư tưởng pháp luật đổi mới khắc phục căn bản những gì liên quan tới hoàn cảnh lịch sử. Bởi vậy dùng từ Hiến pháp sửa đổi có thể gây hiểu nhầm.

ĐB Trần Du Lịch (TPHCM) cũng cho rằng, mỗi lần sửa đổi hiến pháp đều gắn với sự chuyển đổi về mô hình kinh tế, tổ chức chính trị, nhà nước. “Lần sửa này, về chế độ chính trị, kinh tế, nhà nước có điểm gì mang tính chất mới phải thay đổi, tôi thấy nó mờ nhạt quá”- ông nói.

Giao quyền kiểm soát Viện Kiểm sát, Ngân hàng nhà nước cho Quốc hội

Đó là ý kiến của nhiều ĐB, trong đó ĐB Đỗ Văn Đương (TPHCM) đặc biệt nhấn mạnh đề nghị bổ sung chế định kiểm soát quyền lực nhà nước; Bổ sung quyền quốc hội quyết định số thành viên chính phủ; Quốc hội có Ủy ban chuyên trách Điều tra những vụ sai phạm ở tập đoàn nhà nước, dựa trên kết quả điều tra, thanh tra đó, Quốc hội có quyền đình chỉ luôn hoạt động đó. Phải làm rõ hơn nhiệm vụ quyền hạn của kiểm toán, không chỉ kiểm soát tài sản quốc gia mà phải kiểm soát các nguồn lợi khác của quốc gia;

Ngoài ra cũng cần có cơ quan chuyên trách thanh tra, kiểm tra các văn bản pháp quy. Đây là việc quan trọng và thực tế đây là cội nguồn của tham nhũng và lợi ích nhóm. Giao trách nhiệm cho Viện kiểm soát với tư cách là thiết chế sẵn có nhưng là giúp việc Quốc hội giám sát văn bản từ cấp Bộ trở xuống. Quốc hội, Chủ tịch nước là giám sát tối cao của các văn bản do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ…

Một số ý kiến đề nghị Ngân hàng Nhà nước cũng trực thuộc quốc hội bởi: “Có nhiều khoản chi cực lớn mà Quốc hội không biết nên không thể giám sát”.