Dân Việt

Bóng đá Việt vào mùa bán phá giá

17/11/2012 06:40 GMT+7
(Dân Việt) - Ngày trước, khi đội bóng Quân khu 4 được Navibank mua lại và đem vào Nam, người ta kháo nhau thiếu gia ngân hàng đã phải bỏ ra vài chục tỷ đồng để mua suất V-League. Nhưng đấy là chuyện xưa rồi...

Ở Việt Nam lúc này, mấy cái suất ấy giá rẻ như bèo. Không tin cũng phải tin.

Cái chết trong bụng mẹ

Mới đây, Khatoco Khánh Hòa (K.KH) đã gây không ít bất ngờ khi không đăng ký suất hạng Nhất cho Trẻ K.KH ở Hội nghị VPF chuẩn bị cho mùa giải mới. Hỏi ra lãnh đạo nơi đây mới thú nhận rằng họ không có kế hoạch để Trẻ K.KH tham dự hạng Nhất mùa bóng 2013.

img
Đội trẻ Khánh Hòa vui mừng ngày thăng hạng nhưng sớm vỡ mộng sau 3 tháng

Đấy là thông tin nằm ngoài dự đoán của một số người. Nó trái ngược hoàn toàn với sự tự tin và mạnh miệng chỉ vài tháng trước. Đấy là thời điểm cuối giải V-League và Trẻ K.KH gây “sốt” khi vượt qua ứng cử viên số 1 là Nam Định để giành suất lên chơi hạng Nhất tại giải hạng Nhì tổ chức ngay tại phố biển Nha Trang.

Có lúc người ta đã nghĩ đến viễn cảnh K.KH từ nhà nghèo ngổ ngáo đột ngột “hổ báo” sánh ngang cùng một loạt đại gia khác khi sở hữu 2 đội bóng chơi ở 2 hạng đấu khác nhau. Tính nhẩm thôi nhé, ở Việt Nam thời điểm đấy chỉ có bầu Hiển (Hà Nội T&T cùng Hà Nội), bầu Kiên (Hà Nội ACB cùng Trẻ Hà Nội), bầu Hòa (SHB Đà Nẵng và Trẻ SHB.ĐN, cái này thực chất chỉ để gọi bởi bóng đá Đà Nẵng ai cũng rõ đều thuộc chung nhà bầu Hiển).

Nay, với chiến tích bất ngờ của các cầu thủ Trẻ K.KH, bầu Lê Tiến Anh bỗng dưng lên “level”. Ngồi chung mâm với cái vốn lớn như thế chẳng phải đơn giản và giá trị sẽ khác hoàn toàn. Có lẽ cũng bởi thế, nên khi nghe tin đám nhỏ giành quyền lên chơi hạng Nhất, Chủ tịch Lê Tiến Anh khẳng định chắc nịch: “Sẽ giữ và đầu tư cho đội chơi ở hạng Nhất”.

Nhưng thế sự vô thường, 3 tháng sau ngày vui ấy Trẻ K.KH nhận hung tin phải giải tán. Là nỗi đau và thất vọng ghê gớm bởi thầy trò nơi đây đã kỳ vọng và chuẩn bị ráo riết cho ngày được ra ánh sáng. K.KH dẫu chật vật trụ hạng nhưng đấy là mặt bằng V-League. Còn với các cầu thủ trẻ trưởng thành từ CLB, có mặt tại đội 1 luôn là thử thách cực lớn chứ đừng nói được chào sân ở giải đấu cao nhất Việt Nam.

Nay, được chơi ở hạng Nhất là cơ hội không thể tuyệt hảo hơn để bước lên sân khấu để chứng tỏ khả năng của mình. Sự háo hức ấy, hiện rõ cả ở thầy lẫn trò (ông Tân, HLV trưởng Trẻ K.KH ngay sau đấy đi học lớp bằng A để kịp đạt chuẩn). Chỉ mới đôi tuần trước thôi, sự háo hức vẫn còn hiện rõ. Thế mà…

Nhan nhản như hàng “xôn”

img
Ông bầu Lê Tiến Anh nhăn nhó không tìm được lối ra cho đội trẻ Khánh Hòa

Có dạo, một suất V-League thậm chí là hạng Nhất nếu sẩy ra luôn là hàng “nóng”, lập tức được các đại gia xâu xé. Sài Gòn Xuân Thành, Navibank Sài Gòn (N.SG), Vicem Hải Phòng (V.HP), Thanh Hóa… chính là những đại diện đã đổi đời sau một đêm nhờ việc mua “chỗ” như thế. Tất nhiên, “ít cọc nhiều trâu” thì cái giá luôn cao ngất ngưởng, dưới 10 tỷ đồng thậm chí chẳng có cơ hội vượt qua vòng… giữ xe.

Ấy thế mà, khi Trẻ K.KH bị khai tử khi thậm chí còn chưa một lần được hít thở không khí hạng Nhất thái độ của những người xung quanh sau cái hơi nhếch mày đều rất hững hờ. Cũng giống tân binh ra trận, thấy cái chết lần đầu ám ảnh ghê gớm nhưng qua đôi lần sẽ chai sạn. Mà ở Việt Nam lúc này, giấy khai tử kiểu ấy nhan nhản. Đừng nói hạng Nhất, cả V-League cũng đầy ra đấy. Trẻ SHB.ĐN, TDC Bình Dương, Trẻ HN, Trẻ CLB Hà Nội, N.SG… nhất nhất đều có chung số phận.

Hàng hóa ra đường nhiều, vậy nhu cầu mua có không? Thực tế là có. Fico Tây Ninh, Cao Su Đồng Tháp, QKN Quảng Nam, V.HP, Quảng Ngãi… là những cái tên từng được chỉ mặt. Kẻ muốn trở lại hạng Nhất, người muốn lên V-League và nhu cầu đều rất lớn. Ấy thế nhưng đến thời điểm này vẫn chưa có một thương vụ nào diễn ra. Điểm chung: Lãnh đạo các CLB đều tuyên bố sẽ không “mượn xác”, mà thăng hạng bằng đúng thực lực của mình.

Nghe thật mừng vì cái cách làm việc căn cơ như thế luôn là điều được khuyến khích. Rõ ràng, đầu tư một đội bóng đi lên bằng chính năng lực của mình luôn đáng quý hơn, và có chiều sâu lẫn có ích cho nền bóng đá hơn là mua lại một cái xác để đặt chỗ. Thế nhưng, sự thật có phải màu hồng giống tuyên bố của các sếp mà mới đôi tháng trước thôi vẫn còn rất máu me, thậm chí tranh nhau đến bưu đầu bể trán chỉ để được đặc cách ưu tiên đàm phán? Hỏi, cũng là trả lời rồi.

Hãy chọn giá đúng

Bản chất vấn đề, cũng giống rất nhiều câu chuyện khác ở BĐVN lúc này chính là tiền. Sau rất nhiều đầu tư thất bại, người ta đã ngại hơn khi bỏ ra hàng chục tỷ đồng chỉ để mua lại một cái suất + 10 người thừa để rồi sau đấy bỏ thêm vài chục tỷ đồng nữa để gia cố lại đội hình (đại diện rớt hạng thì biết chất lượng con người lẫn tinh thần tệ thế nào rồi đấy).

Cũng là ngần ấy tiền, nếu đầu tư có chọn lọc và kỹ càng, nâng tấp từng phần đội hình và cả năng lực của bộ phận quản lý, rõ ràng nếu lên lại V-League sẽ ổn định hơn nhiều thay vì phải hớt hải chắp vá một đội hình tạp nham toàn cầu thủ tứ xứ mỗi nơi một phách. Đấy là chưa kể chuyện mâu thuẫn bởi khác biệt cá tính vùng miền hay cái tôi của những ngôi sao bạc tỷ tựu về.

Nhưng, đã làm bóng đá chẳng ông sếp nào khờ cả và quy luật cung cầu luôn nằm lòng. Của quý là của hiếm, còn đẹp đến mấy mà xếp đầy đường cũng chỉ là hàng thường. Những suất hạng Nhất, V-League đôi năm trước hiếm hoi là thế, giá cao là tất nhiên. Còn bây giờ, nhan nhản giống hàng khuyến mãi mỗi đợt Noel về thì tâm lý chung đều là: “Việc gì phải vội”.

Khi quyết định giải tán đội trẻ, cả K.KH lẫn SHB.ĐN đều rao bán suất hạng Nhất với giá khoảng chục tỷ đồng. Trẻ Hà Nội do lên V-League nên giá phải gấp đôi (hơn bao nhiêu còn tùy thuộc vào thành phần cầu thủ được “sang tên” cùng).

Nhưng nay nghe đâu Trẻ SHB.ĐN đã hạ giá xuống còn… 2,5 tỷ đồng mà các đối tác vẫn lắc đầu nguầy nguậy. Đi sau, Trẻ K.KH dù đã giảm nhưng vẫn để ở mức cao hơn. Nhưng điều này không tồn tại lâu được. Theo dự đoán của những người hiểu chuyện thì việc họ tiếp tục hạ giá sẽ là bắt buộc. Tất cả những thợ săn, như Quảng Nam ở hạng Nhất đều thừa kiên nhẫn và lọc lõi bởi chuyện bán rẻ và mất trắng tay lợi hại ra sao có lẽ không cần là dân kinh tế cũng hiểu.

Một động thái khác, có thể xem là trợ lực lớn lao cho quá trình… xuống giá ấy chính là VPF với quyết định dời thời hạn đăng ký mùa giải 2013 cho hạng Nhất và V-League từ ngày 3.11 đến tận 8.12. Còn cả tháng trời, hàng vẫn còn đấy thì quả vội vã thì khờ quá!

Cầu thủ xuống giá, HLV xuống giá và nay đến cả các suất hạng Nhất, V-League cũng xuống giá. BĐVN ngày một đi xuống khi những mức chi tỷ đồng đang dần trở nên khan hiếm dù mới đôi tháng trước người ta sẵn sàng vung tay con số hàng chục lần không biến sắc, thậm chí tự hào xem đấy là chiến công lẫy lừng. Chả biết, sắp tới ở giai đoạn “đại suy thoái” này sẽ còn cái gì xuống giá. Hy vọng, sẽ chẳng là lương tri nghề nghiệp.

Theo Thế giới & Hội nhập