Việc giao cho tổ dân phố, thôn thu phí sẽ vi phạm các quy định về quản lý tài chính.
Theo các chuyên gia, việc thu phí sử dụng đường bộ đối với ô tô (từ ngày 1.1.2013) sẽ khá dễ dàng bởi cơ quan thu phí có “cán” để nắm (xem Pháp Luật TP.HCM 22.12).
Nhưng để thu phí khoảng 35 triệu xe máy trên cả nước lại không hề đơn giản. Thậm chí chuyên gia hành chính Diệp Văn Sơn còn cho rằng phương thức này có nhiều bất cập và hệ quả tất yếu là sẽ… chết yểu!
Việc giao cho tổ dân phố, thôn thu phí đường bộ đối với xe máy không hề đơn giản. |
Khó thu
Thực hiện yêu cầu của Bộ Tài chính, nhiều tỉnh, thành đang xây dựng phương án thu phí sử dụng đường bộ đối với xe máy, mức thu cụ thể (từ 50.000 đến 150.000 đồng/xe/năm) và tỉ lệ trích lại cho lực lượng thu phí.
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cho hay: Trên cơ sở phương án thu phí đã được phê duyệt, UBND các phường, xã, thị trấn triển khai việc thu phí xuống các tổ dân phố, khu dân cư. Lực lượng này sẽ gõ cửa từng nhà để phát phiếu, yêu cầu người dân kê khai và tổ chức thu phí. “Việc thu phí sử dụng đường bộ cũng giống như thu các loại thuế, phí khác mà lực lượng này đang thực hiện” - ông Trường nói.
Ông Trường cho rằng mức thu đối với xe máy thấp nên sẽ không ảnh hưởng nhiều đến người dân. Sau khi HĐND cấp tỉnh thông qua mức thu, chỉ trong sáu tháng cuối năm việc thu phímô tô, xe máy sẽ đi vào trật tự. Tuy nhiên, tổ trưởng một tổ dân phố ở khu phố 2 (phường 15, quận Tân Bình) cho rằng việc thu tiền của người dân không hề đơn giản như vậy.
“Hằng năm tôi phải đi vận động thu các loại quỹ thông thường như an ninh quốc phòng, đền ơn đáp nghĩa… với số tiền chưa tới 100.000 đồng/hộ nhưng nhiều nhà đóng cửa không tiếp, còn buông lời khó nghe. Theo tôi, để thu được mỗi hộ mấy trăm ngàn đồng phí đường bộ là chuyện không dễ, nhất là khi nhiều người không thấy được tiền mình đóng sẽ sử dụng như thế nào” - vị này băn khoăn.
Khó tránh thất thoát
Theo chuyên gia hành chính Diệp Văn Sơn, hiện cấp phường, xã đang phải “ôm” trăm công nghìn việc, đừng dồn việc xuống cho họ nữa. Nếu phường, xã được giao thu phí, họ phải huy động cả ban bệ như cảnh sát khu vực, tổ dân phố, nhân viên phường, xã… để thực hiện. Điều này dẫn đến quá tải khiến họ không thể đảm đương tốt các công việc khác.
“Theo quy định, thôn (được tổ chức ở xã), tổ dân phố (được tổ chức ở phường, thị trấn) không phải là một cấp hành chính nên chỉ có thể vận động người dân đóng phí sử dụng đường bộ chứ không thể cưỡng chế buộc người dân đóng phí. Từ đó cho thấy việc thu phí sử dụng đường bộ sẽ không có hiệu quả cao” - ông Sơn khẳng định.
Cũng theo chuyên gia này, tổ dân phố, thôn không phải là tổ chức có tư cách pháp nhân. Việc giao cho tổ dân phố, thôn thu phí sẽ vi phạm các quy định về quản lý tài chính. Đáng lo ngại là hiện cả nước có khoảng 11.000 xã, phường, thị trấn và có đến cả 100.000 thôn, tổ dân phố. Nếu giao cho cấp này thu, quản lý phí đường bộ thì chuyện thất thoát, làm bậy là khó tránh khỏi.
“Biện pháp thu phí sử dụng đường bộ với xe máy sắp được áp dụng vừa không khoa học, vừa không phù hợp các quy định về quản lý, thu nộp ngân sách. Chính vì vậy, có thể tiên đoán biện pháp này sẽ sớm thất bại!” - ông Sơn nhận định.
Theo Bộ GTVT, hiện nguồn vốn ngân sách bố trí cho việc duy tu, sửa chữa đường bộ chỉ đáp ứng 40% nhu cầu và có xu hướng giảm dần. Trong nhiều năm qua, do không đủ kinh phí duy tu, chất lượng nhiều tuyến đường huyết mạch đã xuống cấp trầm trọng gây mất an toàn giao thông. Do vậy, thu phí sử dụng đường bộ từ ngày 1-1-2013 là yêu cầu cấp bách.
Tuy nhiên, do giao cho phường, xã tổ chức thu phí nên cấp phường, thị trấn được trích giữ đến 10% và các xã được giữ lại đến 20% số phí thu được. Lý giải điều này với Pháp Luật TP.HCM, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cho rằng tỉ lệ trích lại cho cấp xã cao là nhằm khích lệ họ “nhiệt tình” hơn trong việc thu phí sử dụng đường bộ đối với mô tô, xe máy trên địa bàn.